NguoiLinhGiaXaQueHuong

Thằng Dũng

Tiếng Trung sĩ Khâm oang oang từng lời một trong máy:

- Mày còn nhớ thằng Dũng không?

- Có phải thằng Dũng vác đại liên em sáu mươi (M60) ở Trung đội 2 không?

Giọng trong máy có vẻ ngập ngừng như đang suy nghĩ:

- Nó mang em bảy chín chớ hề. (súng phóng lựu M79).

Tôi cố gắng moi trí nhớ:

- Có phải lúc nào nó cũng mang lựu đạn đầy mình không?

Giọng trong máy cười lớn:

- Đúng nó rồi đó. Chắc hồi ở Trung đội 2 nó mang đại liên nhưng khi qua bên tau thì nó mang bảy chín.

Tôi bèn hỏi:

- Nó sao rồi?

- Nó chết rồi.

- Chết hồi nào? Hồi ở Thường Đức hở?

- Không, nó chết sau nầy.

- Sao chết vậy?

- Tội nghiệp lắm. Nhà nó nghèo quá, hai vợ chồng nó chèo ghe ra sông trong mùa nước lũ để lượm củi bán. Cả cái xóm nó, ai cũng nghèo rớt mồng tơi mà đâu có ai dám chèo ra vớt củi. Dị mà hai vợ chồng nó đi ra rồi thuyền nó bị lật rồi hai vợ chồng nó bị nước cuốn mất...

Giọng trong máy vẫn tiếp tục nói. Tôi hình dung con sông Vu Gia đang chảy xiết sau những cơn mưa lũ lụt. Những giòng nước từ trên nguồn đổ ra sông kéo theo những thân gỗ mục lớn có nhỏ có. Nước sông dâng cao, giòng nước đượm màu tro, đục ngầu cuồn cuộn chảy. Trên mặt sông, vô số những thân gỗ, lúc quay ngang khi xoay dọc, ào ạt trôi. Hai vợ chồng nó hối hả vớt củi. Một thân cây lớn đang trôi nhanh xuống, hướng về chiếc thuyền. Nó vội vàng chèo xa để tránh nhưng không kịp. Cả thân cây lao mạnh vào mạng thuyền. Đống củi mới vớt được nằm trong khoang bị đẩy dồn về một phía. Con thuyền mất thăng bằng, chao nghiêng rồi lật xấp. Hai vợ chồng nó lọt xuống sông. Dưới mặt nước, những thân gổ lơ lửng chìm, lướt phăng phăng theo dòng nước cuốn, liên tục húc mạnh vào hai vợ chồng nó.

=<>=

Khoảng đâu đó vào cuối năm 1972 hay đầu năm 1973. Ông Thượng Sĩ Cầu, Trung đội trưởng Trung đội 2, dẫn 2, 3 người tân binh đi về bổ sung cho Trung đội. Thằng Dũng là một trong số những người lính mới hôm đó. Chỉ nhìn cái mặt khinh khỉnh của nó không thôi, thì đã thấy mất cảm tình rồi. Được cái là tướng tá của nó trông rất khỏe mạnh. Nó không cao lớn to con nhưng thân hình của nó cũng khá vạm vỡ với những bắp thịt rắn chắc.

Đến khi phát súng, người ta giao cho nó khẩu súng M16 thì nó không chịu. Nó cứ nằng nặc đòi phải mang cho được cây đại liên M60. Ông Th/S Cầu nghe qua khoái quá bèn giao cho nó thủ cây đại liên ngay lập tức.

Đưa cây đại liên cho thằng Dũng xong ông bèn hỏi giỡn nó:

- Mày muốn mang thêm cây nữa không?

Nó mở tròn mắt nhìn ổng lắc đầu nguầy nguậy.

Mang cây đại liên cũng như mang cái của nợ. Nó nặng gấp mấy lần cây súng thường mà viên đạn của nó cũng lớn và nặng hơn loại đạn cá nhân khác. Tới khi đụng trận, chỗ nào có cây đại liên là chỗ đó luôn bị địch quân tập trung hỏa lực nện vào. Cũng bởi vì cây súng đại liên có sức thu hút địch quân khá hấp dẫn nên ít có mấy ai hăng hái tình nguyện giữ nó. Phải can đảm và khỏe mạnh lắm thì mới dám nhận lãnh trách nhiệm giữ cây súng nầy.

=<>=

Giửa năm 1973, sau Hiệp định Paris, Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân được điều động đến Quế Sơn để ngăn chận hành vi dành dân lấn đất của Việt cộng. Đại đội 1 được giao cho một ngọn đồi xa nhứt về hướng tây. Ngọn đồi này cao khoảng độ trên dưới một trăm thước. Trên đỉnh đồi là nơi đóng quân của Bộ Chỉ Huy Đại đội. Theo triền đồi, chạy thoai thoải xuống về hướng tây khoảng hai ba trăm thước, có một khoảng đất tương đối hơi bằng thẳng, có một tảng đá to lớn, khoảng chục người ôm, nhô ra, là nơi đóng quân của Trung đội 2. Tổng cộng Trung đội lúc ấy có tất cả khoảng 6 người đào hầm hố làm nơi trú quân chung quanh tảng đá. Xuống thêm khoảng vài trăm thước nữa là những thửa ruộng đã bỏ hoang. Phía bên kia ruộng là những dãy núi chạy dài liên tục. Bên đó, cộng quân chia nhau đóng chốt.

Tuần lể đầu trôi qua trong bình an. Ngày 2 bữa, chúng tôi thay phiên nhau đi lên đồi Đại Đội lãnh cơm. Thì giờ còn lại, nếu không nghỉ thì đi tuần tiễu chung quanh đồi. Khi không tuần tiễu thì chúng tôi tán dóc:

Bữa nọ, sau mấy tháng hành quân, anh chồng trở về. Nhớ vợ ray rứt nhưng có con cái bên cạnh nên anh chồng bèn đưa lá bài cò mồi đi trước.
- Mười cơ.
Thấy mười cơ củng hấp dẩn nhưng bà vợ đang bận làm cá ở dưới bếp bèn nói:
- Tiêu.
Anh chồng đợi một hồi mà dưới bếp tiếng dao thớt vẫn khua vang. Chịu không nổi, anh bèn tăng bài:
- Đầm cơ.
Bà vợ nghe qua nhận thấy tình thế có mòi khẩn trương nhưng tay còn tanh cá bèn khẩn khoản:
- Tiêu.
Anh chồng bực mình im lặng. Xong việc, bà vợ rửa ráy sạch sẽ đi vô phòng thì thấy anh chồng quay mặt vô tường. Biết anh chồng giận, bà bèn thỏ thẻ gạ bài:
- Già rô.
Anh chồng, vẫn còn bực mình, mặt hướng vào tường không thèm quay lại, nói sẵng:
- Tiêu.
Bà vợ không tin bèn xoay anh chồng lại lật bài ra xem. Bà bèn cười tình:
- Bài tốt như thế này mà tiêu.

Nghe xong cả đám cười ngặt nghẽo. Một thằng chịu không nổi than:

- Nóng người quá! Đứa nào có dư bi-đông nước cho tao mượn?

Mấy thằng khác cười sặc sụa.

- Mày cần cả cái suối nước chớ một cái bi-đông thì làm sao mà đủ mát!

Bắt đầu từ tuần thứ 2, một bữa, đang mang cơm xuống nửa chừng thì bổng dưng có tiếng súng nổ. Còn đang phân vân thì một miếng đất khá xa xa văng lên rồi tiếng gió và tiếng đạn đâm vào đất cùng vang đến. Xuỵch. Chưa kịp nhìn về hướng bắn thì thêm một tiếng nổ nữa. Lần này nghe chát hơn. Thêm một miếng đất nữa văng lên nhưng gần hơn. Có những tiếng la từ trên đỉnh đồi của Đại Đội vọng xuống.

- Tụi nó bắn sẻ. Chạy lên. Chạy lẹ lên.

Còn phía dưới Trung đội thì la lên:

- Tụi nó bắn. Chạy lẹ xuống. Lẹ xuống.

- Liệng cơm đi để chạy cho lẹ.

Thằng mang cơm như được phép, nó bèn vất hết cơm canh xuống đất, chạy thục mạng về nơi tảng đá trong khi đạn vẫn rơi xuỵch xuỵch bên chân. Bữa đó, cả Trung đội phải chịu đói đợi đêm xuống mới mon men lên đồi lấy cơm.

Ngày hôm sau, đến giờ lãnh cơm mà cái thằng có cái bổn phận đi lãnh hôm đó cứ chần chừ. Bị thúc mãi nó mới ngập ngừng quàng cái sợi dây cột một đống bi-đông để lấy nước, lên vai. Xong rồi, một tay mang một thùng đại liên để đựng cơm, một tay kia mang một thùng khác đựng thức ăn, nó mon men đi ra ngoài.

Từ dưới này nhìn lên trên chỗ Đại đội, nguyên cả sườn đồi rải rác những lùm cỏ cùng với những cụm sim rừng. Chỉ có một khoảng trống, hẹp, thẳng tấp, chạy dài từ trên đỉnh đồi xuống, được khoét ra do những dòng nước chảy xuống bởi những cơn mưa. Đây cũng là lối đi duy nhất được dùng để di chuyển giữa nơi đóng quân của Trung đội và BCH Đại đội.

Mới đi khoảng mươi thước thì bên kia đám việt cộng bèn nổ súng. Chắc bữa hôm qua bắn để điều chỉnh nên hôm nay đạn bắn khá chính xác. Viên nào viên nấy cũng đều cách cái rãnh không xa. Biết khó thoát khỏi, thằng đi lãnh cơm quay đầu chạy ngược trở lại như có lũ âm binh rượt theo sau lưng.

Khi quýnh nhau, hai bên bắn qua bắn lại. Nó bắn mình thì mình nện nó lại. Lỡ có phải đi hủi nhị tỳ thì mình cũng còn có cơ hội rinh thêm vài thằng đi theo cho đông đúc vui vẻ. Còn đằng này, nó bắn mà mình không được quýnh lại, lỡ phải đi chầu trời mà đi một mình, đường xá xa xôi thì chao ôi buồn lắm.

Tiếng ông Trung đội trưởng hỏi:

- Có đứa nào ngon đi lấy cơm không?

Bở vì ngại đi một mình thì lẻ loi nên không thằng nào tỏ ra sốt sắng, hăm hở. Ông Trung đội trưởng đưa mắt đảo quanh xem thử có đứa nào chịu chơi không. Cả đám, thằng thì nhìn trời; đứa thì giương mắt ngó ổng như có vẻ không hiểu ổng nói cái gì. Còn tôi thì nhìn xuống dưới đất, ra vẻ suy nghĩ, cho chắc ăn.

Thấy ai cũng im lặng, thằng Dũng đứng đậy nói:

- (vt), hổng thằng nào đi thì tao đi cho.

Nói xong, nó quàng sợi dây cột bi-đông lên cổ, hai tay mang hai thùng đạn, hướng về con dốc trước mắt như đo lường thời gian, rồi như một viên đạn bị bắn đi, cả thân người nó lướt nhanh trên mặt sỏi.

Khi cái dáng của thằng Dũng chạy lên trên rãnh được vài thước thì bên kia, đám việt cộng, bắt đầu bắn sang. Mà cái thằng này bắn cũng ác ôn lắm. Nó không hối hả siết cò mà lại bắn thong thả từng viên một. Cứ mỗi một tiếng nổ, cái cảm giác chờ viên đạn bay tới là muốn đứng tim rồi. Chỉ khi nghe tiểng đạn đâm vào đất thì lúc đó mới biết mình vừa thoát nạn.

Mặc cho đạn cứ sủi bên chân, thằng Dũng cứ tiếp tục chạy lên đồi. Tưởng chừng như cả hàng giờ, cuối cùng rồi nó cũng lên được bình an.

=<>=

Trước đây, khi đạn dược còn sung túc, mỗi lần đi hành quân, đứa nào muốn mang mìn claymore bao nhiêu cũng được. Sau khi dừng quân mỗi tối, lính chỉ cần ra xa xa, gài 1 trái sáng, thụt vô gần khoảng vài thước, gắn 1 trái claymore. Tất cả chỉ tốn chừng 15 phút. Trong đêm, nếu trái sáng bùng lên, nhìn ra mà thấy có ai múa máy ở ngoài đó thì chỉ việc bấm nút cho mìn nổ.

Gần đây, mìn claymore, ngày càng trờ thành là một thứ xa xỉ phẩm. Để duy trì sự hiệu quả của phòng thủ vào ban đêm, lính phải xoay xở dùng lựu đạn thay thế cho mìn. Thằng Dũng có lẽ nhìn thấy sự lợi hại của lựu đạn trước tiên nên ngay từ lúc nào đó, nó đã tích tụ lựu đạn nhiều hơn ai hết.

Nghe nói trước đây nó từng là lính Nghĩa Quân hay Địa Phương Quân gì đó. Chẳng biết vì lý do nào mà nó đào ngũ rồi lại tình nguyện đi Biệt Động Quân. Không như một phần lớn chúng tôi, thay vì chỉ mang đủ cấp số lựu đạn cho mỗi người, nó mang lựu đạn hầu như khắp cả trên người của nó. Nhìn nó, từ cổ xuống mông, chỗ nào củng tòng teng lựu đạn. Có lần, tò mò, tôi đeo thử dây đạn của nó. Mới vừa nhấc lên mà tôi đã cảm thấy đỏ mặt tía tai. Tròng được cái sợi dây lên trên người rồi thì chân cẳng chỉ muốn quẹo qua quỵnh lại. Thế mà nó lại còn mang thêm một cái ba-lô cộng thêm với cây đại liên nữa. Như thế phải biết nó khỏe như thế nào.

Kể từ khi thằng Dũng được bổ sung về Trung đội 2, chúng tôi, trong Trung đội 2, cảm thấy an tâm hơn vào mỗi tối đóng quân. Có lẽ nó rành nghề gài lựu đạn từ thời còn ở Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, nên tối nào, không ai bảo, nó đều đi gài lựu đạn bên ngoải phòng tuyến đóng quân cho cả Trung đội. Một hôm, tôi đi theo nó chơi, luôn tiện học nghề của nó. Sau khi đến chỗ vị trí đóng quân qua đêm, nó bèn tháo ra một số lựu đạn từ trong sợi dây ba-chạt rồi bỏ trong cái nón sắt của nó. Tiếp đó, nó rút bên hông ba-lô của nó ra một đống cọc, mỗi cọc dài khoảng hai gang tay có gắn một cái lon không, loại lon thịt ba lát, ở trên đầu. Xong rồi nó móc trong ba-lô ra một đống que. Cứ mỗi cái que thì có một cuộn dây, chỉ có, cước có, đủ loại dây, cuộn tròn bên ngoài. Đâu đó xong xuôi, nó gom hết mọi thứ rồi đi ra bên ngoài phòng tuyến đóng quân.

Thấy nó đi tới khoảng cách vừa tầm rồi mà nó chưa chịu dừng lại. Tôi bèn hỏi:

- Hê, đi gì xa vậy mậy?

Nó trả lời:

- Chỗ này là lớp thứ hai. Phải làm lớp thứ nhất trước.

Nó cứ tiếp tục mò mẩm đi tới trước. Nó càng đi xa thì cẳng tôi càng lạnh. Tôi bực mình cho cái tội ham dzui của mình. Đi theo nó chơi làm chi để cho bây giờ hồi hộp. Tới đây rồi, không lẽ quay ngược trở lại. Tôi phập phòng đi theo nó mà mắt cứ luôn quan sát hai bên.

Tới chỗ vừa ý, nó bèn ngồi xuống lấy ra một cái cọc có gắn cái lon không. Ngắm nghía chung quanh xong nó bèn ấn cái cọc xuống đất, cẩn thận đưa cái miệng lon hướng ngang khoảng trống. Vừa ý rồi, nó bèn lấy một cái que có cuộn dây rồi tháo lỏng sợi dây. Nó cột đầu sợi dây vào cái cổ trái lựu đạn M67. Xong rồi nó mới nhét trái lựu đạn vào trong miệng lon. Xoay qua lắc lại thấy trái lựu đạn không bị tuột ra nó mới tháo lần sợi dây đi qua cắm vào khoảng đất ở phía bên kia. Khi thấy sợi dây hơi căng căng, nó quay trở lại, kiểm soát lần cuối rồi nhè nhẹ rút chốt trái lựu đạn. Rút ra rồi nó còn đợi thêm vài giây nữa coi thử có chắc chắn không. Đâu đó xong xuôi, nó bèn gập một nhánh cây làm dấu rồi mon men đi kiếm chỗ khác gài tiếp.

Thấy nó không che dấu cái lon lựu đạn tôi bèn nhắc nó:

- Sao mày không lấy cái gì để che cái lon lại?

Nó hỏi lại:

- Che làm gì?

- Thì lỡ tụi nó có bò lên thì cái lon sẽ lộ rõ ở trên đường chân trời thì tụi nó thấy nó tránh thì phí không?

Nó cười cười:

- Bộ mày tưởng mò lên tới đây mà nó bò à? Bò thì nó bò mút mùa lệ thủy mới tới chỗ mình.

Nó thách thức:

- Ngon thi mày bò thử coi, coi thử mày bò được bao lâu?

Nghe nó nói cũng có lý nên tôi không bàn tán thêm chi nữa. Khi nó nhắm gài đủ cho phòng tuyến của Trung đội rồi, nó bèn đi thụt vô gài thêm một lớp nữa.

Có một hôm, sáng rồi, cả Trung đội sửa soạn di hành thì thấy thiếu thằng Dũng. Hỏi ai cũng không biết nó ở đâu. Súng ống ba-lô của nó thì vẫn còn nguyên tại chỗ. Xục xạo một hồi cũng không ai tìm ra nó. Mãi một hồi lâu mới thấy nó lù lù từ dưới triền núi đi lên, trên tay cầm cái nón sắt đầy lựu đạn. Hỏi ra thì mới hay nó đi gỡ lựu đạn nhưng thiếu 1 trái mà nó không nhớ gài ở chỗ nào. Tìm hoài, cuối cùng nó mới kiếm được.

=<>=


Tam Kỳ - Một ngày tháng 7 năm 1974


Đang quýnh nhau ở Tiên Phước, bỗng dưng Tiểu Đoàn được lệnh rút ra. Lội bộ gần cả ngày mới ra được tới đường cái. Tới nơi, thì đã có một đoàn quân xa GMC đang túc trực đợi sẵn. Sau khi tất cả đã lên xe, đoàn xe lăn bánh hướng về thành phố Tam Kỳ. Đến quốc lộ số 1, đoàn xe quay về hướng nam. Cả bọn thắc mắc:

- Chắc đi Quảng Ngãi?

- Không biết kỳ này đi Đức Phổ hay Mộ Đức?

- Quận nào cũng có chữ “Đức” mà sao cứ chiến tranh liên miên.

- Mang chữ “Đức” mà sản xuất ra một khứa như Phạm dzăn Đồng thì chục cái đức cũng thành thất đức.

Cả đám cười sằng sặc.

Chạy một lúc cũng khá xa, đoàn xe tự dưng quẹo phải vô một con đường khác. Xa xa về hướng tây, bên trái con lộ, có một ngọn núi khá cao. Trên đỉnh núi có dấu vết những trận đánh xãy ra không lâu lắm. Đoàn xe dừng lại. Tiểu Đoàn lục tục xuống xe. Đại đội 1 được lịnh giải tỏa ngọn núi đó. Cả Đại đội di chuyển về hướng ngọn núi. Khi đến gần, Đại đội kiếm chỗ dừng quân ngủ qua đêm đợi sáng mai tiến chiếm mục tiêu.

Ngày hôm sau, Đại đội xuất quân lên chiếm mục tiêu. Khi người khinh binh đầu tiên lọt vào trong tầm tác xạ, cộng quân bèn bắn ra tới tấp. Trung Úy Tẩm cho Trung đội 1 và Trung đội 2 lên chiếm mục tiêu. Một bên cố gắng tiến lên chiếm lấy. Bên kia bắn xuống không cho bên này vượt lên. Thằng Châu bị trúng đạn khiêng xuống đến nơi thì chết. Ông Cẩn y tá, anh ruột thằng Châu, ôm thằng em mà nước mắt chảy ròng. Tình thế mỗi lúc một gay go. Tr/U Tẩm bèn kêu Tiểu đội Trinh Sát của Tr/S Khâm lên dứt mục tiêu. Tr/S Khâm, thằng Đức, thằng Linh, thằng Dũng và một vài người nữa đi lên. Từ ngày tình nguyện nhập vào Tiểu đội Trinh sát của Tr/S Khâm, thằng Dũng không còn mang cây đại liên M60 nữa. Thay vào đó, nó thủ cây súng phóng lựu M79. Nhìn nó lừng lửng đi ngang, cái hình ảnh sợi dây đạn đại liên quàng trên cổ với cái khẩu M60 đeo giăng ngang trước bụng không còn nữa. Lúc này, nó cũng mang đầy lựu đạn nhưng trên người nó bây giờ chằng chịt những sợi dây đạn M79.

Toán trinh sát lên không lâu thì ầm ầm súng nổ vang trời. Đạn bay vung vít, xé gió, xẹt qua xẹt lại trên đầu, đạn chuôn dưới háng, đạn luồn dưới nách. Tiếng la ó xung phong chữi thề ỏm tỏi. Tiếng lựu đạn nổ từng hồi. Rồi tiếng súng nổ bớt dần. Vài tiếng súng nổ lẻ tẻ rời rạt, dần dần rồi tất cà trở nên im lặng.

Tiểu đoàn ra lệnh bỏ mục tiêu trở ra con lộ gấp.

Tr/S Khâm báo cáo mục tiêu đã chiếm, xin truy kích. Tr/U Tẩm ra lệnh bỏ đó đi xuống.

Toán Trinh sát của Tr/S Khâm trở về. Thằng Dũng khệnh khạng đi xuống. Trông quần áo, mặt mũi đứa nào củng đầy bụi cát từng lớp.

Chưa kịp đi lên xem xét mục tiêu thì Đại đội được lệnh rút lui, bỏ mục tiêu mới vừa chiếm được, trở về nơi xuất quân xuống xe hôm trước. Ông Cẩn buồn bả khiêng xác thằng em đi xuống. Đến nơi, một đoàn xe đã chờ sẳn. Tiểu Đoàn được lệnh trở về hậu cứ vì có tin cộng quân đang tập trung quân tấn công Thường Đức.

=<>=

Đoàn xe qua khỏi Đại Lộc hướng về Thường Đức trên tỉnh lộ số 4. Đến một ngọn đồi nhỏ nằm cạnh con lộ, còn khoảng mươi cây số nữa mới tới Thường Đức thì đoàn xe được lệnh dừng lại. Trên ngọn đồi, từng dảy ăn-ten tua tủa chỉ lên trời, người lên kẻ xuống nhộn nhịp. Thì ra, đây là BCH của Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân. Ở đây, BCH Liên Đoàn ra lệnh Tiểu Đoàn để lại một phần quân số để giữ an ninh cho BCH Liên Đoàn. Sau khi để lại cho BCH Liên Đoàn toàn thể Đại đội 2 và thêm Trung đội 2 của Đại đội 1, Tiểu Đoàn tiếp tục di chuyển về trấn thủ Thường Đức.

Tôi vẽ vời ra mẩu đối thoại chung quanh cái quyết định để lại Đại đội 2 và Trung đội 2 của Đại đội 1 trong một tình thế khá nghiêm trọng như lúc này:

Trung Tá Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân nói với Thiếu Tá Hà Văn Lầu, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân.
- Toa để lại cho moa 50 thằng lính nghen.
- Thưa Trung Tá, tại sao?
Tr/T Liên Đoàn Trưởng trả lời :
- Thì để giữ an ninh cho Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn.
- Trình Trung Tá - Tụi này mới đánh ở Tam Kỳ về, quân số bị thiếu hụt, mà lại để ở đây 50 thì làm sao tụi tui trám được cái khoảng trống đó? Hơn nữa, tụi nó kéo về cả sư đoàn thì làm sao tôi giử được Thường Đức với chừng lính nầy?
Tr/T Liên Đoàn Trưởng thân mật vỗ vai :
- Có thằng Phòng 7 ở trên đó, nó sẽ trám vào cái chỗ trống đó. Toa cứ yên trí, có gì xảy ra, thằng Sư đoàn 3 sẽ lên tiếp toa ngay. Tụi moa không bỏ toa đâu.
Thiếu Tá Lầu rời phòng chỉ huy đến gặp Đại Úy Sinh, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân, đang đứng bên ngoài với một số sĩ quan của Tiểu Đoàn.
- (vt) Liên Đoàn bắt mình phải để lại đây năm chục. Ông nghĩ để Đại đội 2 lại được không?
Đ/U Sinh thắc mắc :
- Sao lại phải để lính ở đây? Mà để ... để làm gì, Thiếu tá?
- Liên Đoàn cần lính để giữ an ninh.
Đ/U Sinh đảo mắt nhìn quanh những thôn xóm lân cận chung quanh đồi, khẻ nhíu mày nhưng cũng điềm tỉnh cố gắng vớt vát :
- Để thằng 2 thì được nhưng cũng chỉ có chừng bốn mươi. Thiếu Tá hỏi ở trển có chịu bốn mươi không, hết mẹ nó một Đại Đội rồi.
- Không được, họ đòi năm chục. Nếu mình để Đại đội 2 ở đây thì thằng 3 phải dăng mỏng ra để trám chỗ thằng 2. Vậy lấy thêm một Trung đội của Đại đội 1 vậy, được không?
Đ/U Sinh ngập ngừng nhấn mạnh vai trò cực kỳ quan trọng của Đại đội 1:
- Thiếu Tá biết, thằng 1 nó nằm một mình ở cái đồi bên cạnh. Nếu bị đánh, nó là cái mục tiêu cần phải chiếm trước bằng bất cứ giá nào. Lấy được Đại đội 1 rồi, nó sẽ dùng nơi nầy làm áp lực uy hiếp Tiểu Đoàn. Mất Đại đội 1 thì coi như mất Tiểu Đoàn, mà mất Tiểu Đoàn là mất quận Thường Đức.
Th/T Lầu bám vào lời hứa của ông Liên Đoàn Trưởng.
- Tao cũng biết vậy, nhưng mà thằng 3 bị trải mỏng quá. Mà lệnh là lệnh. Thôi ông nói thằng Tẩm để lại 1 Trung đội. Có gì, chắc họ không bỏ mình đâu.
Biết nói thêm củng không thay đổi được quyết định, Đại Úy Sinh kêu Trung Úy Tẩm, Đại đội Trưởng Đại đội 1, lại :
- Mình phải để lại đây 1 Trung đội. Mày coi thằng nào được thì kêu nó xuống xe ở lại đây.
Không một ông Đại đội Trưởng nào biết có cả sư đoàn cộng quân sắp đánh Thường Đức. Nghe thế, Trung Úy Tẩm suy nghĩ: “Trung đội 1 thì có toán của thằng Sơn, Trung đội 3 thì có tiểu đội thằng Khâm.”, bèn quyết định :
- Thôi - Để Trung đội 2 ở lại đây với Liên Đoàn.

Đại đội 1 bây giờ chỉ còn có 3 Trung đội, 2 Trung đội tác chiến và 1 Trung đội công vụ. Quân số tham chiến của Đại đội bây giờ rút lại còn khoảng tối đa là 30 người, kể cả Tiểu đội trinh sát của Tr/s Khâm.

=<>=


Trận Thường Đức - Ngày N+9 – Ngày 6 tháng 8 năm 1974


Trời chuyển dần về đêm. Chưa tối lắm nên máy bay bao vùng chưa thả hỏa châu. Màn đêm tĩch mịch. Ánh trăng soi nhợt nhạt trên sân đồi. Không một tiếng rả rích của lũ côn trùng. Hình như chúng nó cũng biết thân nên tản cư tìm nơi lánh nạn.

Lợi dụng trời tối, tôi leo lên bờ giao thông hào cởi chiếc áo giáp ra để gãi lưng cho đã ngứa. Hầu như đây là giây phút hạnh phúc nhứt trong ngày của tôi. Gãi đã rồi tôi bèn đứng lên đi bộ qua lại rồi xỏa tay thẳng chân cho gân cốt được thoải mái.

Tôi đang nằm ngửa mặt tận hưởng cái không khí trong lành của màn đêm thì có những tiếng chân xào xạc đi tới. Thằng Dũng và một vài đứa khác trờ tới đập nhẹ vào chân tôi ra dấu tuột xuống. Thấy bộ điệu tụi nó có vẻ quan trọng nên tôi không nghĩ là tụi nó đùa bèn lẹ làng tuột xuống không một tiếng động.

Tụi nó tiếp tục rón rén di chuyển xuống gặp Tr/U Tẩm. Đến nơi, thằng Dũng báo cáo là nó nghĩ cộng quân đã có mặt bên tuyến phòng thủ của Trung đội 1 mà mình đã bỏ trống từ cả tuần nay.

Tr/U Tẩm bèn ra hiệu cho tất cả im lặng tuyệt đối. Mấy cái lỗ tai cùng giương về phía bên Trung đội 1 chăm chú lắng nghe. Văng vẳng trong thinh không, có những tiếng người xì xào nói. Thỉnh thoảng có tiếng chửi thề chêm vô. Đích thị là tụi nó đã mò tới nơi rồi.

Tr/U Tẩm báo cáo về Tiểu Đoàn rằng tụi nó đã có mặt trên đồi.

Thằng Dũng bèn đề nghị đưa hết những trái lựu đạn còn lại cho nó. Nó và hai thằng nữa bò qua đánh bằng lựu đạn dành lại phòng tuyến Trung đội 1.

Tr/u Tẩm suy nghĩ một hồi rồi nói:

- Đánh thì được, nhưng chiếm được rồi thì mình cũng phải bỏ trống chớ giử cũng không nổi. Rồi lở tụi mầy bị thương hoặc chết thì lấy ai đâu mà kéo về. Hơn nữa, khi mò lên tới đây là tụi nó biết mình đã bỏ rồi. Có chiếm lại được, rồi bỏ trống, thì tụi nó cũng lên trở lại.

Ngưng một lúc rồi ông nói tiếp:

- Thôi, tụi mày về lẹ đi. Coi chừng phía bên kia luôn. Tụi nó có thể tấn công tối nay như bửa trước đó. Nhớ nói là không có đứa nào được ngủ hết nghe chưa.

Không nói cũng chẳng có thằng nào dám ngủ. Cho vàng củng chẳng có đứa nào can đảm chợp mắt. Đứa đứng gác thì long long nhìn về phía trước mặt. Đứa bên cạnh thì chong mắt đứng canh phía sau lưng.

=<>=


Trận Thường Đức - Ngày N+10 – Ngày 7 tháng 8 năm 1974


Đại đội 1 bị thất thủ kéo theo Đại đội 3, rồi Tiểu Đoàn, tiếp theo Chi Khu Thường Đức. Quận Thường Đức coi như lọt vào tay giặc ngày hôm nay.

=<>=

“Tội nghiệp lắm. Nhà nó nghèo quá, hai vợ chồng nó chèo ghe ra sông trong mùa nước lũ để lượm củi bán. Cả cái xóm nó, ai cũng nghèo rớt mồng tơi mà đâu có ai dám chèo ra vớt củi. Dị mà hai vợ chồng nó đi ra rồi thuyền nó bị lật rồi hai vợ chồng nó bị nước cuốn mất...”

Câu nói trên vọng về gợi lại tôi hình ảnh của cặp vợ chồng nó.

Một lần, trên đường về hậu cứ dưỡng quân. Gần tới Thường Đức, khi xe chạy qua khỏi Đại Lộc một khoảng khá xa thì nó bèn đứng dậy ngóng qua bên lề đường như tìm kiếm ai. Bên trên đầu đoàn xe, cách lề đường không xa lắm, có một căn nhà nhỏ nằm một mình giữa những thửa ruộng. Trên con lộ dẫn vào nhà, có dáng một người thiếu nữ tất tả chạy về hướng đoàn quân xa. Trên xe, thằng Dũng đứng vung tay, rung thành ghế, huýt gió, kêu gọi ầm ỷ. Khi xe chạy đến gần, người thiếu nữ như kịp nhận ra nó. Trên mặt nàng, ánh mắt lo âu chợt bừng sáng và một nụ cười mừng rở nở rộ trên khuôn mặt.

- Ai vậy? Bộ vợ mày hả?

- Ờ, vợ tao.

- Thì nhảy mẹ nó xuống đi chớ ở đây làm gì. Để súng đạn đó về tao cất cho.

Như được khuyến khích, nó bèn leo ngang qua thành ghế nhảy đại xuống đường, chạy ngược trở lại. Lính trên những chiếc xe phía sau thấy nó chạy về hướng vợ nó đồng rống lên như đang chạy lúc ở quân trường:

- Ta là, ta là, Biệt Động, Biệt Động, không thích, không thích, đi xe, đi xe, chỉ thích, chỉ thích, chạy bộ.chạy bộ ... Một ... Hay ... Ba ... Bốn ...Một ... Hay ... Ba ... Bốn ...

Còn lớp khác thì đùa theo:

- Ba về mẹ có đồ chơi ... Ba về mẹ có đồ chơi.

=<>=

Dũng thân,

Mày có biết không? khi tụi mình choảng nhau với đám việt cộng ở Thường Đức, cả mày và tao đâu có nghĩ đó là trận đánh có ảnh hưởng đến sự tồn vong của nước mình. Phải công nhận, nó có ghê gớm thật, nhưng cũng chẳng hơn gì cho mấy, so với những màn khệnh nhau trước đấy.

Chắc mày củng đã biết, sau khi chiếm được Thường Đức, thấy phản ứng phe ta cỏ vẻ hửng hờ lạnh nhạt. Thừa thắng xông lên, tụi nó bèn làm một màn thấu cáy khiến bên mình bị cháy túi. Chả thế mà nó cứ rỉ rả chiến trường Thường Đức là trận đánh lịch sử vinh quang nhất của tụi nó.

Ôi thôi cả đám nhà nó, kẻ tung người hứng, hả hê thêu dệt thành quả “tiêu diệt” Tiểu Đoàn của mình. Sau này, tao mới biết được cái quận Thường Đức còn có thêm một đống tên mà tao chưa từng nghe qua: Nào là “Mắt Ngọc Đầu Rồng” (oẹ). Rồi nào là “cánh cửa thép của Đà Nẵng” (oẹ nữa). Rồi nào là bên ta phán rằng: “Nước sông Vu Gia chảy ngược thì việt cộng mới chiếm được Thường Đức” (oẹ tùm lum). Phải công nhận cái óc tưởng tượng những chuyện hoang đường của người cộng sãn phong phú thiệt.

Khiếp! (vt) Muốn chiếm Thường Đức thì lúc nào mà chả được. Quanh năm có ai giữ nó đâu mà cần gì phải vẽ rồng vẽ rắn, gắn cho nó đủ thứ mỹ danh để tôn vinh cái chiến thắng của mình. Để cho mày thấy tụi nó tập trung quân số, lấy thịt đè người, như thế nào để đánh mình thì hãy nghe tụi nó tóm gọn như sau:

“Tổng số các lực lượng gồm 11 tiểu đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh, 1 đại đội B72, 1 tiểu đoàn pháo phòng không 37mm, 1 đại đội tên lửa vác vai A72, 2 tiểu đoàn công binh và một số đơn vị bảo đảm chiến đấu khác.”

Tao chẳng biết khi tụi nó nói “và một số đơn vị bảo đảm chiến đấu khác” là nghĩa gì. Chắc tụi nó muốn nói tới mấy tiểu đoàn du kích địa phương, ngoài khả năng làm lao công tải đạn cho tụi chính quy, khi cần sử dụng thì đám du kích này cũng biết bóp cò vuốt cu được nữa. Như vậy thì ngoài cái đám “bảo đảm chiến đấu” này ra, chắc còn có thêm một số “đơn vị” thuộc loại “không bảo đảm chiến đấu” nữa. Chắc chiến đấu trên giường cho tụi chính quy. Hì hì ...

Tao không rỏ con số thực sự là bao nhiêu nhưng cứ cho đại đi là một phần tư con số trong đó dùng để đánh mình. Bỏ đi mấy cái đơn vị lẻ tẻ phòng không phòng chiếc, công binh công cán, tên lửa tên đóm, thì tao nghĩ ít nhứt củng khoảng 3, 4 tiểu đoàn của nó quần thảo với Đại đội mình, 30 thằng. 20 thằng thì đúng hơn. Như vậy thì tụi nó có cả mấy chục thằng với súng đạn dồi dào mà chọi với một thằng của mình cả chục ngày mới qụy. Như vậy thì kể ra khả năng đánh đấm của tụi mình củng không đến nổi tệ lắm, phải không mậy?

Nói về chuyện tụi nó tập trung choảng mình làm tao nhớ lại một chuyện “ngày xưa còn bé”. Số là, hồi còn đi học, tài sản, danh giá, của tao là một cây bút máy pa-ke cáu cạnh. Như cái mốt thời đó, tao đeo cây bút máy tòng ten ở chổ cài khuy áo. Bữa nọ, tao cúp cua để đi xem cái xuất đầu tiên của một phim La-Mã mới về. Đang giành giực với một đám nhóc khác chen lấn mua vé. Tự dưng tao thấy nhột nhột ở ngực. Nhìn xuống thì tao thấy tối tăm mặt mày, cái áo thì còn nhưng cái cây bút máy thì biến đâu mất. Đứng bên cạnh tao, một thằng mặt mủi láu cá, thuộc dân móc túi, tay nó cầm cây bút máy, mắt kênh kênh nhìn tao. Tao bèn nói nó trả cây bút máy lại cho tao thì nó bảo là cây bút máy của nó. Bực mình, tao giằng cây bút máy trong tay nó thì nó bèn thọi tao một phát. Ức quá, cây bút của mình mà nó bảo là của nó rồi còn nện mình nữa, tao bèn thọi nó lại. Tự dưng một thằng nhóc khác ở đâu nhảy vô đục tao. Còn hoang mang, thì cái thằng du đãng đàn anh, đứng cách đó không xa, ra dấu bảo cả đám nhào dzô quýnh tao, thế là cả một lủ lâu la, như bầy chó hoang, hùa lại khệnh tao tơi bời hoa lá. Tá hỏa tam tinh, tay chân tao thọi đá tứ tung thì tự dưng tao nghe một cái bụp gần sau gáy, mắt tao hoa lên, thế là tao choạng vạng qụy xuống. Thấy tao gục, tụi nó kéo nhau bỏ chạy. Ngồi thở dốc, tao thấy một bà bán xôi trước cửa rạp đi vô, nhặt cây đòn gánh của bả, nhìn tao một cách thương hại rồi đi ra. Chung quanh tao, đám đông thưởng ngoạn, từ từ tản mác. Có năm ba thằng nhóc tì cùng trường trốn học, nãy giờ đứng dòm, giờ lục tục vào rạp xem phim.

Ấy vậy mà mươi năm sau, câu chuyện “ngày xưa còn bé” của tao lại tái diển ở Thường Đức, nhưng lần này thì ở vào mức độ dã man hơn. Mà nghĩ cho cùng, cả hai câu chuyện“ngày xưa còn bé” của tao và màn quýnh nhau của mình ở Thường Đức củng đồng xãy ra tại Miền Nam Việt Nam. Chỉ khác là ở tầm vóc quốc gia và kết quả thì còn bi thảm hơn nhiều.

Dài dòng rồi. Tao tính nói cái số của mày làm sao ấy. Không chết khi đánh đấm ở Thường Đức mà lại chết lúc đi lượm củi. Rồi tao chợt nhớ, sau Thường Đức, mày còn có những ngày tháng, tuy khổ cực, nhưng còn có vợ mày bên cạnh. Tao nghĩ chắc mày củng chỉ mong thế. Cần khỉ gì ba cái anh hùng lẻ tẻ quýnh nhau của mày ở Thường Đức. Phải hông mậy?

Thôi, gặp mày sau.

Thân