NguoiLinhGiaXaQueHuong

Giải Tỏa Mộ Đức


Đà Nẵng - Một ngày đầu Hè 1972


Việt vừa được bổ sung về Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân không lâu thì được lệnh hành quân. Tiểu Đoàn cậu, lúc ấy, đang làm vòng đai an ninh chung quanh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 Quân Khu 1 tại thành phố Đà Nẵng. Lần đầu tiên ra trận, Việt không khỏi cảm thấy lo âu và hồi hộp. Cái ba lô bây giờ trĩu nặng với 7 ngày lương khô. Việt nghe lời thằng Ánh, bạn cùng tiểu đội, đem một mớ thịt hộp và một đống gạo xấy đi cho mấy người lính trong Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn. Bỏ hết nhiều như vậy mà khi cột lại, cậu cũng phải vất vã lắm mới thu nhỏ được cái miệng túi ba lô để vừa đủ cho cái nắp đậy che mưa phủ bên trên.

Sau khi liệng cái ba lô lên trên lòng xe GMC, Việt bỏ chân trái lên trên nấc thang của cái bưng đằng sau xe nhưng không sao rướng được người lên để đưa chân phải lên lòng xe mà leo lên. Việt phải nhờ thằng bạn đi sau đẩy hộ. Nó cằn nhằn:

- (vt), mấy cái thằng tân binh này chẳng biết cái gì hết. Muốn leo lên thì phải tháo súng tháo đạn để lên xe rồi mới leo chớ. Đeo cả súng cả đạn như thế này thì làm sao mà leo được.

Cái sợi dây ba-chạt bây giờ sao mà nặng trịch. Ngoại trừ 2 cái bi-đông đựng nước gắn ở hai bên hông phía sau mông, toàn cả sợi dây đeo chứa đầy những đạn và lựu đạn. Việt cứ lo xa, nếu lỡ khi bắn nhau mà hết đạn thì chỉ có nước chết, cho nên cậu cố mang theo đạn càng nhiều càng tốt. Cả lựu đạn nữa, cậu bắt chước mấy người lính cũ cách gắn lựu đạn vào hai bên túi đạn. Có chỗ nào còn trống, cậu cũng ráng nhét thêm lựu đạn vào. Như sợ chưa đủ, cậu cũng bắt chước thằng Ánh gắn thêm 2 trái lựu đạn trên 2 cái móc trước ngực của cậu. Gắn xong, kiểm soát lại, cậu thấy cậu cũng oai lắm và củng hồi hộp lắm.

Thằng Ánh bảo cậu phải mang thật nhiều vào để khi hai bên gần sát nhau thì dùng lựu đạn có lợi hơn là bắn. Nó kể lại khi nó đánh nhau ở Khe Sanh, lựu đạn là vũ khí lợi hại nhất. Việt phục thằng Ánh lắm. Nghe nó kể lại là nó tình nguyện vào Binh Chủng Biệt Động Quân lần này là lần thứ hai. Trước đó, nó tình nguyện vào Biệt Động Quân một lần. Người ta bổ sung nó ra Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân. Đánh nhau ở ngoài Khe Sanh mấy tháng dài. Nó nhớ người yêu của nó kinh khủng. Khi đơn vị về Đà Nẳng mà nhà nó thì ở tận ngã ba đi Quế Sơn, nó trốn về thăm bồ nó rồi ở nhà luôn, không trở lại đơn vị nữa. Hằng ngày, nếu không cặp kè với cô bạn gáì thì nó la cà theo lính Ngĩa Quân trong làng đi tuần tiểu. Ở nhà một thời gian thì nó chán, nó sửa giấy khai sinh đổi thành tên Ánh rồi đi tình nguyện trở lại. Ngày ra trường, nó hồi hộp sợ bị bổ sung về lại Tiểu Đoàn 37. May cho nó, người ta đưa nó về Tiểu Đoàn 79.

=<>=

Đoàn quân xa rời Hòa Cường, qua Cẩm Lệ, đến Ngã tư Hòa Cầm rồi quẹo trái vào Quốc Lộ số 1 xuôi nam. Dọc đường, dân chúng hai bên hiếu kỳ đứng nhìn. Cả Trung đội của Việt trên xe hoàn toàn không biết Tiểu Đoàn sẽ đi hành quân nơi đâu. Đã là lính quèn thì không đứa nào biết rõ tin tức. Thằng thì đoán thế này. Đứa kia đoán thế nọ. Nhưng tựu chung thì những lời đồn đãi đều nói là đi Quảng Ngãi.

Đám lính tráng thì đồn rằng ông Phạm văn Đồng muốn chứng tỏ cho thế giới biết là ông ta làm chủ cái phần đất đó, cho nên ông đưa quân cộng sãn về để cho mọi người thấy. Thằng Ánh, thân với ông Trung đội Trưởng, nói cho mọi người biết là Tiểu Đoàn sẽ đi Quảng Ngãi để giải tỏa Quốc lộ số 1. Nó còn nhấn mạnh thêm là lần này sẽ đụng độ lớn lắm. Nó nghe nói là ở đó có nhà cửa của cha mẹ hay bà con gì đó của ông Phạm văn Đồng. Nó củng nói là trên Tiểu Đoàn cấm lính mình không được bắn phá hay làm hư hại cái nhà đó. Một đứa nghe vậy bèn nói:

- Tại sao không tống cổ cha nó ra ngoài Bắc mà ở, cho nó ở trong Nam làm mẹ gì?

Một giọng khác chen vào.

- (vt), Tao mà thấy ở hướng đó bắn ra thì tao sẽ xịt cho 1 trái M-72 chớ ở đó mà tránh với né. Ở tù ông cũng chịu. Khỏi đi hành quân còn sướng hơn.

Xe qua khỏi Hội An được một lát thì thằng Ánh đứng dậy. Nó quay mặt qua bên kia đường kêu réo tên người này người kia ở trong những cái quán dọc theo Quốc lộ ở ngã ba đi vào Quế Sơn. Việt thấy mấy người này cũng cười la chỉ chỏ kêu nó. Thì ra đây là quê của thằng Ánh. Nó nhìn Việt, tay chỉ về phía xa xa nói là nhà của nó ở trong đó. Nó nói nó còn một bà mẹ già. Việt không hiểu tại sao nó lại đi lính. Mẹ nó già, nó là con một, thì nó được hoãn dịch. Lý do gì mà nó tình nguyện đăng lính thì nó không nói.

Xe tiến dần về hướng Tam Kỳ. Hai bên đường, những thửa ruộng chạy lùi lại về phía sau. Xa xa, những đồi cát bắt đầu lộ dần từ phía chân trời. Thằng Ánh bây giờ ngồi xuống, dựa lưng vào thành ghế nhắm mắt ngâm nga ca vọng cổ. Nó là người Quảng mà sao nó hát vọng cổ mùi thật. Tiếng nó hát trộn với tiếng xe tiếng gió, tiếng còn tiếng mất, thế mà Việt nghe cũng buồn thúi ruột. Nếu miền Bắc đừng xâm lăng, Việt nghĩ nó có thể đóng kép chính cho một đoàn cải lương nào đó. Thái độ ung dung của thằng Ánh cũng trấn an được những âu lo trong đầu Việt. Nó đã từng đi đánh trận. Nó biết rành hơn mình. Giờ phút này mà nó còn hát hỏng được thì quýnh nhau cũng không có gì ghê gớm lắm. Nghĩ tới đó, Việt cảm thấy thần kinh mình cũng bớt đi một phần căng thẳng.

Đến chiều, đoàn xe đi vào thị xả Quảng Ngãi. Xe dừng lại trong thành phố để ông Tiểu Đoàn Trưởng và ban tham mưu Tiểu Đoàn đi vào Tiểu Khu họp hành. Vài đứa trong Trung đội Việt leo xuống xe, ưởn qua ẹo lại cho giãn gân giãn cốt. Những người dân hai bên phố hiếu kỳ kéo tới cho biết là địch quân đã cắt đứt Quốc lộ số 1 từ gần tháng nay. Một đơn vị của Sư Đoàn 2 và một Tiểu Đoàn Biệt Động Quân đã đụng độ và chận đứng địch quân ở cái cầu, cách đây khoảng vài cây số về phía nam. Nghe nói là các đơn vị bạn đã rút ra và Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân đi vào.

Xế chiều, nhóm tham mưu Tiểu Đoàn trở về và đoàn xe tiếp tục chạy về hướng nam. Càng rời xa thành phố, cảnh hoang phế điêu tàn càng lúc càng nhiều hơn. Hai bên đường nhà cháy còn nghi ngút khói. Những hàng cây gãy khúc đen đủi thê lương. Lác đác, có một vài gia đình, với những đứa bé nheo nhóc, gồng gánh tản cư về hướng thành phố. Những đứa bé với đôi mắt ngây thơ, bám áo mẹ bước vội vã theo, quay nhìn những người lính trên xe. Đôi mắt thơ dại của đứa bé làm xốn xang lòng Việt. Đôi mắt đó gợi lại cho Việt những hình ảnh Tết Mậu Thân ở Huế. Những đứa bé quàn khăn tang, ngơ ngác, ngồi bên cạnh người mẹ đang tức tưởi khóc trước quan tài của bố.


Quận Mộ Đức, Quảng Ngãi - Một ngày đầu Hè 1972


Còn xa lắm mới tới vùng giao tranh nhưng đoàn xe ngừng lại vì không còn an ninh nữa. Những người lính được lệnh leo xuống tập họp rồi di chuyển đến mục tiêu. Đâu đó tiếng đạn lên nòng vang vọng trong hàng quân. Việt cũng bắt chước mọi người lên đạn rồi khóa lại. Cái ba lô và dây đeo đạn bây giờ như những khối sắt. Việt gồng người khom lưng đi theo hàng quân.

Mặt trời sắp lặn thì Đại Đội dẩn đầu đã lên đến đầu cầu. Mới lên cầu được khoảng một tiểu đội thì bên kia địch quân bắt đầu nổ súng. Trước hỏa lực quá hùng hậu của địch quân mà những người lính thì không có chổ ẩn nấp, đoàn quân được lệnh rút lại về bên này cầu bố trí.

Trời sập tối, Đại Đội 1 lặng lẽ di chuyển trong đêm dọc theo bờ sông bên phải cây cầu. Khi cảm thấy đủ xa và an toàn, đoàn quân bắt đầu lội qua sông rồi tiếp tục đi ngược lên làm gọng kềm bên sườn trái của địch quân. Phía bên trái cây cầu, Đại Đội 3 cũng âm thầm qua sông rồi di chuyển xuống, làm gọng kềm bên phải ép cộng quân.

Gần sáng thì 2 Đại Đội đã bố trí đâu vào đó chờ lệnh tấn công.

Trời mờ sáng, khi mục tiêu ở bờ làng từ từ lộ hình trong sương mai, hai Đại Đội bên hông sườn được lệnh khai hỏa. Những bóng người vừa bắn vừa chạy, tiến vào bìa làng. Đại Đội 2 bên này sông cũng bắt đầu ào chạy lên cầu. Tiếng đạn của hai bên nổ liên hồi bất tận. Tiếng gào la xung phong át cả tiếng súng. Đứa nào đứa nấy cấm đầu cấm cổ chạy thục mạng. Vừa chạy vừa bắn. Có đứa đang chạy vấp phải mu đất té xuống rồi lồm cồm bò dậy tiếp tục chạy. Có đứa đang chạy bị trúng đạn quỵ xuống nằm tại chỗ. Không khí khét mùi thuốc súng. Có những bóng người bên trong bìa làng nhảy ra khỏi giao thông hào tất tả chạy lui về bên trong làng. Rồi thêm dăm ba người nữa chạy ra sau, cuối cùng, tất cả thối lui vào bên trong làng nhưng lại bị Đại Đội phía bên kia tấn công sang. Địch quân chỉ còn một lối thoát là xuôi nam.

Thừa thắng xông lên, không kịp thu xếp chiến trường, Tiểu Đoàn tiếp tục truy kích địch quân hai bên quốc lộ số 1. Những mục tiêu lần lược xóa đi trên bản đồ hành quân một cách nhanh chóng ngoài sự tưởng tượng của mọi người.

=<>=

... Có hôm, lợi dụng sự chống đỡ yếu đuối của cộng quân, Tiểu Đoàn hành quân luôn cả ban đêm. Trời tối đen như mực, đơn vị cứ di chuyển được vài thước thì lại phải dừng lại một chút để nghe ngóng. Khổ cho những người lính khinh binh đi đầu, họ phải thường xuyên xé rào hay kiếm những lỗ trống để vượt qua. Có khi gặp phải hàng rào kẽm gai, nếu không dùng sức đè bẹp xuống được thì họ phải ráng hì hục nhổ gốc hàng rào lên. Trong khi vừa dọn đường, họ lại còn phải tập trung tất cả mọi giác quan trong người để nghe ngóng, chong mắt nhìn sâu trong màn đêm để phát giác những khả nghi. Tất cả mọi hành động đều phải làm trong im lặng.

Trên mặt đất đầy rẫy những thân tre, cây cối, bị đốn ngã. Những cành dừa che phủ cả lối đi. Những ai đã có lần đi trên những đống dừa nằm ngổn ngang thì sẽ hiểu ngay nổi khó khăn để giử thăng bằng của nó như thế nào. Chỉ đi bình thường không thôi mà còn té lên té xuống, huống chi phải đeo thêm ba-lô và súng đạn, cái sức nặng trên vai trên lưng còn tạo sự di chuyển thêm phần khổ nhọc. Trong đêm tối, nỗi khó khăn còn tăng thêm gấp bội. Những người lính dọ dẫm bước khập khễnh trên những thân dừa lùng kiếm mục tiêu.

Một loát súng AK nổ vang từ phía hàng đầu. Kế tiếp, những tràng đạn M16, rồi những tiếng lựu đạn nổ. Đại Đội đi đầu đã giáp mục tiêu. Trong thoáng chốc, tiếng súng lan rộng khắp phía đằng trước. Các đơn vị đằng sau dạt ra hai bên. Tiếng la hét reo hò chửi tục ồn ào. Đêm tối như mực, chẳng thấy ai, Việt cứ siết cò về những đóm lửa khai hỏa trước mặt. Đạn lửa bay ngang xéo lại như những màn lưới. Một hồi sau, tiếng súng thưa dần rồi chỉ còn vài tiếng lác đát của đơn vị đầu tiếp tục truy kích cộng quân. Thêm một mục tiêu vừa được thanh toán.

=<>=

... Cả tuần lễ đó Tiểu Đoàn đánh nhau ngày đêm không nghỉ. Từng làng và từng làng lần lượt được giải tỏa. Việt bây giờ đã làm quen được với những kinh hoàng của chiến tranh. Cảnh điêu tàn sau trận chiến lần đầu mục kích đã làm cậu khiếp đảm, bây giờ dần dà trở nên quen thuộc. Những vết sưng trên vai nay không còn làm cậu đau đớn như hôm đầu tiên. Bộ đồ trận màu hoa rừng mới mẻ hôm nào nay đã cứng ngắc xám xì vàng vọt với những lớp bùn đất bám cứng bên trên. Cậu không còn nhớ, đã bao nhiêu lần, bộ quần áo cậu bị đẫm ướt rồi khô trên thân thể cậu. Bạn bè cậu chẳng có đứa nào buồn tắm rửa. Rảnh rỗi được phút nào thì cậu chợp mắt lúc đó. Đời lính sao mà khổ vô chừng. Cậu tưởng tượng những người quen của cậu ở Đà Nẵng, lúc này chắc đang vui chơi cuời giỡn dung dăng trên đường phố, hay la cà trong những quán cà-phê. Tự dưng cậu thèm một ly cà-phê ghê gớm. Bên phía Bộ Chỉ Huy Đại Đội, anh tà-lọt đang pha cà-phê cho ông Đại Đội Trưởng và mấy ông sĩ quan trong Đại Đội. Mùi cà-phê tỏa ra bay ngang hướng Việt làm cậu cảm thấy đê mê.

Tối nay, Đại Đội Việt được đưa ra sau giữ mặt hậu và đồng thời dưỡng sức. Cả bọn trợn tròn há hốc ngạc nhiên khi thấy năm ba chiếc xe thổ đang đứng đợi khách bên ngoài chỗ đóng quân. Đến chỗ chỉ định vị trí đóng quân qua đêm, thằng Ánh thả ba lô xuống rồi dọt đi mất. Chập sau nó đi về lôi Việt hối hả đi cùng với nó. Nó nói theo nó đi ra làng chơi. Hai đứa vội vả ra lại quốc lộ. Nó và Việt cùng leo lên ngồi phía sau người lái xe. Việt nhận thấy cái quần lính và đôi giày lính của người lái xe nên củng yên tâm một phần.

Chạy khoảng 1, 2 cây số thì cậu thấy ánh đèn măng-sông sáng trưng hai bên đường. Việt nhớ không lầm là cậu đã đánh nhau ở cái làng này mới mấy hôm trước đây, mà bây giờ đã có những quán ăn mọc lên bên cạnh những đổ nát điêu tàn không xa mấy.

Thật ra, đây không phải là quán mà là những chiếc bàn gỗ dài, với những chiếc ghế dài bằng gỗ, được che dưới một tấm bạt. Có khoảng 5 hay 6 quán như thế này hai bên đường. Khách hàng toàn là lính trong Tiểu Đoàn. Một phần lớn là lính trong Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn hay thuộc Đại Đội 4 còn có tên là Đại Đội Công Vụ. Mấy hôm nay ăn toàn thịt hộp và cơm sấy. Cơ thể Việt khô khan như những đống lương khô. Bây giờ thấy thịt tươi rau sống, cậu nuốt vội nước bọt.

Việt nhớ lại, cách đây mấy hôm, thằng Ánh có rủ cậu đi kiếm mấy cái đọt cây dừa đã bị bom đạn chặt đứt để nấu canh. Hai đứa hì hục bổ thân cây dừa ra để lấy cái mọng dừa. Thằng Ánh nói nấu canh mọng dừa với thịt gà hộp thì ngon số một. Nói tới gà, nó chợt nhận ra rằng đã giải tỏa mấy cái làng rồi mà nó không hề thấy một con gà, con vịt hay con heo nào bị trúng đạn. Nó nói chắc là tụi Việt Cộng ăn hết rồi. Bấy giờ Việt mới để ý là cậu không hề thấy một con gia súc nào ở đây. Thằng Ánh văng tục:

- (vt), như thế này thì mai mốt mình có giải tỏa xong thì cũng bị dân chửi. Họ sẽ nghĩ rằng mình làm thịt hết mấy con gà con heo của họ.

Thằng Ánh và Việt đồng kêu hai phần cơm dĩa và hai ly cô-ca lạnh. Lúc này, Việt có dịp quan sát kỹ hơn. Cậu thấy có những đốm sáng lập lòe trong những xóm làng hai bên quốc lộ. Cậu nghĩ không lẽ tụi Việt Cộng lại mò về đằng sau này mà lại to gan đến độ không cần dấu diếm như vậy. Cậu đem cái thắc mắc đó hỏi bà bán hàng thì được cho biết, đây là mấy người dân đang trên đường trở ra phố ngủ đêm. Bà nói chính quyền địa phương cho dân chúng trở về ban ngày để họ sửa chữa lại nhà của họ, nhưng đến đêm thì họ phải trở ra phố vì an ninh hơn. Bà nói thêm.

- Một chút nữa đây thì mấy cái quán ở đây cũng phải dẹp, chớ mấy ông lính không cho họ tiếp tục bán vì sợ bị nguy hiểm.

Bà tươi cười tiếp tục.

- Nếu mấy chú mà cứ đuổi việt cộng kiểu này thì chỉ vài hôm nữa thì dân sẽ về tới khu này ngay.

Được hỏi dân đã trở lại phía bên này cầu chưa, thì bà cho biết là dân chúng đã lần lượt trở về và chợ búa đã bắt đầu buôn bán trở lại từ mấy hôm nay.

Tin tức về mấy cái quán cóc ở đằng sau được truyền tụng nhanh chóng trong Tiểu Đoàn. Ban ngày, mấy Đại Đội tiếp tục càn quét đánh đuổi địch quân. Tối xuống, đến phiên Đại Đội nào bố trí đằng sau Tiểu Đoàn, thì tự do ăn nhậu. Thằng Ánh cho biết nó chưa bao giờ thấy hoặc nghe ai kể đi đánh giặc kiểu này. Ban ngày đánh đấm tưng bừng, nhưng ban đêm thì ra sau nhậu nhẹt. Biết Việt mới ra trận lần đầu tiên, nó chặn trước:

- Đừng tưởng trận nào cũng như thế này. Lần sau, không có một cọng rau mà ăn, một giọt nước mà uống.

=<>=

... Một sáng nọ, Đại Đội Việt đang ở sau làm trừ bị cho một Đại Đội khác đang tấn công lên một ngọn đồi trọc bên cạnh quốc lộ số 1. Ngọn đồi cao khoảng 40 đến 50 thước. Nhờ vào lợi thế cao, địch quân ở nơi đây đã làm trì hoản được sức tiến quân của Tiểu Đoàn. Không để cho địch quân có thì giờ tái phối trí chống cự, một Đại Đội được lệnh làm chủ ngọn đồi này bằng mọi giá.

Từ bên này quốc lộ nhìn qua, ngồi bệt xuống đất, súng gác ngang đùi, lưng dựa vào ba-lô, Việt theo dõi những màn xung phong lên đồi như đang xem một đoạn phim chiến tranh. Từ sáng đến giờ, đã mấy lần xung phong nhưng lần nào cũng bị dội ngược.

Cả ngọn đồi không có lấy một thân cây, rải rác đó đây là những tảng đá nhô ra từ trong thân đồi. Chỉ có một vài tảng đá đủ chỗ ẩn nấp cho một hay hai người. Những mảng đá còn lại thì chỉ to bằng cái thúng không đủ chổ che thân. Nhìn những dáng người chạy lên đồi dưới lằn đạn bắn xối xả từ trên xuống mà Việt cảm thấy rợn người. Cậu đã thấy những thân người bị đốn ngã mà giờ này vẫn còn nằm lại trên sườn đồi rõ rệt. Vậy mà những lớp sau vẫn cứ tiếp tục chạy lên từng đợt. Có lúc Việt nghĩ, nếu là nó thì liệu nó có can đảm nhào lên tấn công như những người lính kia không? Phép lạ nào đã làm cho họ có được sức chịu đựng phi thường như thế. Nó cảm thấy phục những người lính ở Đại Đội này vô cùng.

Mặc dầu chịu những tổn thất cũng khá cao, nhưng cuối cùng họ cũng tiến lên sát tuyến phòng thủ của địch quân. Họ quần thảo với cộng quân trên đồi trông thật ngoạn mục. Đến trưa thì những người lính trong Đại Đội này cũng làm chủ được ngọn đồi.

Một chiếc xe jeep bỗng từ đâu xuất hiện. Xe ngừng lại, có 2, 3 ông phóng viên chiến trường xuất hiện. Họ khệ nệ bưng nào là máy quay phim, máy chụp hình, chân 3 càng, tiến về phía bố trí của Trung đội Việt. Họ vừa đi vừa quay phim. Bọn Việt, có đứa cười khô khan nhìn vào ống kính. Có đứa mặt xa xăm như không thấy sự hiện diện của phái đoàn. Có đứa đứng lên ôm súng thủ thế làm bộ như đang xung phong. Có thằng bảo:

- Sao mấy ông không tới sớm hơn để quay phía bên kia.

Nó chỉ về hướng ngọn đồ mới vừa đánh nhau xong phía bên kia.

Họ trả lời:

- Quay rồi.

Đến gần ông Trung đội Trưởng, họ dừng lại, phỏng vấn ông vài câu rồi họ tiếp tục đi qua Trung đội khác.

Có chiếc xe đò treo cờ Hồng Thập Tự chạy theo sau hai chiếc xe jeep tiến đến Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn. Trên xe lúc nhúc những học sinh mặc áo trắng với băng dấu thập đỏ. Các em học sinh mang những gói cơm trong bao nhựa còn nóng hổi tới từng người trong đoàn quân. Mặc dầu đó chỉ là những gói cơm trộn muối đậu phọng, nhưng sự có mặt của các em tại một nơi gần như là tuyến đầu, một địa ngục ở trần gian, đã làm cho mọi người xúc động, và họ cũng không khỏi lo lắng cho sự an toàn của các em.

=<>=

... Sau khoãng mấy tuần lễ bị Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân rượt đuổi về phía sau, cũng trong thời gian ấy, một đơn vị của Sư Đoàn 2 từ phía nam đánh lên. Hai bên chỉ còn khoảng 1 cây số nữa thì có thể bắt tay được.

Địch quân bây giờ bị kẹt ở hai đầu đang dàn trận bên trong ngôi làng. Hình như phía bên kia biết tình trạng vây khổn không lối thoát, cho nên họ có vẻ hung hăng nổ súng một cách bừa bải. Từ bên kia bìa làng, đằng sau những rặng tre, cộng quân cứ bắn loạn cào cào bất kể có ai di chuyển bên này hay không.

Có điều bất tiện cho Tiểu Đoàn là thửa ruộng chia cách hai bên lại quá xa. Nếu làm hàng ngang xung phong chạy trên mảnh ruộng trống trơn thì phần tổn thất rất là nặng nề. Việt không biết chính xác quân số tham chiến của Tiểu Đoàn đến hôm nay đã vơi đi như thế nào, nhưng riêng Trung đội của Việt bây giờ đã vơi đi phân nửa.

Để bảo đảm phần thắng về mình, Tiểu Đoàn yêu cầu máy bay lên oanh kích đánh phủ đầu trước. Từ sáng, hàng loạt phi vụ ào ạt thả bom xuống những chỗ nghi ngờ có địch quân trú ẩn.

Bên này làng, Việt ngồi dưới đất, tựa lưng vào ba-lô, hai chân dạng ra, đầu gối co lên tới ngực, đang theo dõi những phi vụ đánh bom thì đột nhiên cậu nghe một tiếng gió cứ nhắm hướng cậu bay tới càng lúc càng rỏ mồn một. Có tiếng người la lên:

- Nằm xuống.

Nhưng đã trể. Việt ngơ ngác chưa kịp phản ứng ra sao, thì một âm thanh chém đất ngọt lịm vang lên ngay giữa hai cái chân của cậu. Cậu nghĩ là cậu đã ôm trọn một trái pháo của địch quân. Mắt của Việt vẫn hoãng hốt nhìn trân trối vào đống sắt đen sì trước mặt. Không nghe nổ, định thần lại, Việt nhận ra đây là một miếng gang dài và bự như thân dao mã tấu, nhưng có phần dầy hơn gấp mấy lần, còn bốc khói đang cắm vào miếng đất chính giữa hai chân của cậu. Thằng bên cạnh cũng hoàn hồn chửi thề:

- (vt), chắc là mảnh bom ở bên kia bay qua.

Việt tò mò sờ cái miểng bom dày cộm còn nóng hổi đang gim sâu vào lòng đất. Ngoại trừ hai mặt hai bên miểng bom tương đối bằng thẳng, còn tất cả những góc cạnh đều bén như dao mới vừa mài xong. Cứ tưởng tượng nếu miểng bom xếch qua một chút, hay hai cái chân cậu duổi thẳng ra thì giờ này có lẽ cậu đã bị đứt chân rồi. Mà có thể mất hai chân cũng không chừng.

Có ai đó gọi ông Trung đội Trưởng. Trả ống liên hợp lại cho người truyền tin, ông kêu Việt và thằng Ánh lại rồi nói:

- Hai đứa mày lên Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn trình diện. Tao không biết họ cần gì. Nhớ mang ba-lô theo vì chút nữa đây xung phong thì không còn ai ở đây giữ ba-lô của tụi mày.

Việt và thằng Ánh bâng khuân chạy về hướng Tiểu Đoàn. Gặp ông Thường Vụ Tiểu Đoàn , ông ra lệnh:

- Hai đứa mày ra sau chận dân chúng lại gấp. Nhớ là cấm không cho ai đến gần đây. Lẹ lên!

Hai đứa vừa đi vừa chạy ra quốc lộ số 1 rồi ngược lên hướng thành phố. Việt thấy cả ngàn người dân với gồng gánh thúng bưng di chuyển trên quốc lộ hướng về vùng giao tranh. Việt và thằng Ánh vội vã chạy nhanh đến chận họ lại. Thằng Ánh chỉ tay về chỗ cái làng mà Tiểu Đoàn sắp sửa tấn công, miệng nói với họ:

- Bộ bà con không biết là tụi tui còn đang đánh nhau ở chỗ này sao? Bộ bà con không sợ chết hả?

Họ nhao nhao phân trần:

- Dân ở mấy cái làng bên trên về hết rồi, chỗ này mấy ông đã giải tỏa xong thì cho tụi tui về, chớ ở bụi ở bờ cả tháng nay khổ quá.

Việt lên tiếng:

- Nhưng bà con không thấy tụi tui còn đánh nhau hay sao? Chỗ này đâu có an ninh đâu thì về làm gì? Lỡ tụi Việt Cộng chiếm trở lại thì bà con chạy đi đâu?

Mặc cho thằng Ánh và Việt giải thích, họ cứ tiếp tục nhích dần lên. Hai thằng không biết làm sao nên cứ phải lui lại từ từ. Một chiếc máy bay L-19 đang lượn trên vùng hành quân thấy vậy bèn bay sát xuống gần mặt đất, thảy ra một trái khói chỉ cách vài thước trước đoàn người. Có một số người dân tưởng máy bay chấm điểm để bỏ bom, họ ùa chạy lùi lại ra sau.

May sao, lúc ấy, ở tuyến đầu, lệnh tấn công được ban ra. Những tiếng la hò hét xung phong vang vọng trong tiếng súng. Những người dân bây giờ quên hẳn chuyện trở về. Có người chạy lùi lại ra sau, nhưng những người khác thì họ ùa nhau chạy lên đồi coi hai bên đánh nhau.

Việt và thằng Ánh cũng bắt chước họ lên theo. Trên sườn đồi mới vừa chiếm lại hôm trước, cậu thấy những người lính đang dàng hàng ngang băng đồng chạy vào mục tiêu. Súng đạn hai bên bắn nhau như chưa từng bắn như thế bao giờ. Theo dõi Tiểu Đoàn tiến chiếm mục tiêu, họ vổ tay, họ la lối cổ võ đoàn quân. Mỗi khi thấy ai ngã xuống, họ ồ lên một cách thương tiếc.

Trong khi Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân đang đánh xuống phía bên này, thì một đơn vị của Sư Đoàn 2 cũng đánh lên từ mặt dưới. Những người lính xung phong chưa chạy tới bìa làng thì bên trong địch quân bắt đầu tháo chạy. Không ngõ thoát, họ dồn nhau chạy về hướng đông. Những người dân bây giờ vỗ tay la ó rầm rộ khi thấy địch quân nhốn nháo trên cánh đồng. Họ chỉ chỏ la lối:

- Nó chạy kìa, nó chạy kìa.

Trên trời, hai chiếc trực thăng xạ kích đám tàn quân.

Lúc này, Tiểu Đoàn đã vào hẳn bên trong làng. Tình hình bắt đầu dịu xuống. Việt và thằng Ánh thấy không còn gì xem nữa nên rảo bước trở lại con lộ. Đi ngang qua những người dân đang tụm năm tụm ba bàn tán trận đánh. Họ ngừng lại trao cho hai đứa những ánh mắt ngưỡng mộ làm Việt cảm thấy ngượng ngùng. Nhưng dù sao, Việt vẫn không bao giờ quên được những cái nhìn tha thiết ấy. Trở lại con lộ, Việt yêu cầu mọi người nên trở về. Trong đám đông, đứng bên cạnh mẹ, Việt bắt gặp ánh mắt của một cậu trai đang cười nhìn cậu và thằng Ánh chằm chập.

=<>=

Tiểu Đoàn tiếp tục hành quân về hướng nam. Xa xa, từ phía dưới, trên quốc lộ, có dáng dấp một người mang nón sắt nghênh ngang đi qua đi lại. Đơn vị đầu liên lạc về Tiểu Đoàn xin xác nhận có phải là lính Sư Đoàn 2 hay quân cộng sản trá hình. Khi được thông báo đó là một đơn vị của Sư Đoàn 2, lính Biệt Động bên này la lối mừng rỡ.

Bên kia, chắc có lẽ vừa biết đây là đơn vị bạn nên cũng ùa lên con lộ chạy tới ôm chầm lấy nhau.

Quốc lộ số 1 chính thức được khai thông.

Được hỏi đánh nhau từ phía dưới bao lâu rồi, thì người lính Sư Đoàn 2 trả lời là hành quân cả tháng rồi, ngay từ ngày đầu, từ khi quân cộng sãn bắt đầu xua quân tiến chiếm quốc lộ số 1. Việt thấy quần áo của mình cũ rích te tua, nhưng những người lính của Sư Đoàn 2 còn rách nát thê thảm hơn nhiều. Họ đã đánh nhau giải tỏa phần dưới ngay từ lúc đầu không một chút ngơi nghỉ. Việt thấy lính Sư Đoàn 2 cừ thật.

Đêm nay, ngoài giờ gác, Việt ngủ được một giấc thoải mái. Trời sáng, lúc bọn Việt đang lay hoay nấu nước sôi đổ cơm xấy ăn sáng thì được lệnh gom góp khăn gói ra tập họp ngoài đồng. Cả bọn đổ vội nồi nước chưa xôi vào những túi cơm rồi mang cả ba-lô súng đạn ra hướng Tiểu Đoàn tập họp. Có đứa đoán chắc về lại Đà Nẵng. Có đứa nói đi hành quân chỗ khác.

Tới nơi, một đoàn xe GMC đang đậu dọc quốc lộ. Cả Tiểu Đoàn xuống đứng tập họp dưới ruộng. Một lát, Tướng Nhựt, Tư Lệnh Sư Đoàn 2 đến bằng trực thăng. Ông bắt đầu khen ngợi Tiểu Đoàn rồi ông tưởng thưởng huy chương cho mấy ông sĩ quan trong Tiểu Đoàn và chúc mọi người thượng lộ bình an. Ông cũng không quên nhắc nhở Tiểu Đoàn là trên đường về Đà Nẵng, khi xe chạy ngang qua thành phố Quảng Ngãi, thì sẽ có dân chúng ở thành phố đón chào và bày tỏ lòng biết ơn.

Khi ông đi rồi, Tiểu Đoàn hí hửng lên xe đi về Đà Nẵng. Trung đội Việt lên xe cuối cùng, và anh cũng là người cuối cùng ngồi ở dãy ghế bên trái của chiếc quân xa. Ngồi xuống rồi, bây giờ Việt mới nhận thấy sự khác lạ. Ngày đầu hành quân, cả Trung đội Việt ngồi chen chúc trong xe. Ngày trở lại, chỉ còn vài ngoe trên hai dãy ghế dài. Có đứa đã ra đi. Có đứa bị thương về nằm bệnh viện điều trị. Không phải chỉ có mỗi mình xe Việt là như vậy, mà hầu như xe nào cũng cùng chung một tình trạng trống trải. Việt và những đứa còn lại là những kẻ may mắn.

Trên đường về, xe chạy ngang qua những làng xóm vừa mới giải tỏa trước đây. Dân chúng đã trở về sửa sang tu bổ lại nhà cửa và bắt đầu cho những sinh hoạt bình thường. Họ tươi cười vẫy tay chào nhưng Việt không hiểu họ có nhận thấy sự thưa thớt bên trên chiếc xe. Thằng A... nằm ở chỗ này. Thằng B... bị thương chỗ kia. Thằng C... ngã xuống ở bờ ruộng nọ.

=<>=

Khi còn ở quân trường, Việt và các tân binh khác ngày ngày đều rống ca bài Biệt Động Quân hành khúc trong những lần di chuyển ra bải tập hay trở về. Trong bài hát có đoạn “Ta Biệt Động Quân danh lừng bốn phương. Đem máu xương ta bảo vệ cho quê hương.” Lúc ấy, Việt chĩ hiểu cái bổn phận của người lính Biệt Động một cách trườu tượng. Giờ đây, nhìn máu của bạn bè lưu lại trên những làng mạc chung quanh, Việt nghĩ, lần này cậu may mắn, nhưng liệu sự may mắn đó kéo dài được bao lâu?

Đoàn quân xa tiến gần thành phố Quảng Ngãi. Từ xa, cậu thấy dân chúng đứng đầy nghẹt hai bên đường. Đoàn xe chạy rất chậm khi vào đến thành phố. Tướng Nhựt, lúc bấy giờ đang là Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh đã có ướm lời cho mọi người biết, là có dân chúng ở thành phố Quảng Ngãi đang chờ đón Tiểu Đoàn, lúc đi ngang, nhưng không một ai trong đơn vị mường tượng được rằng, có cả rừng người kéo dài cả hàng cây số với những tấm biểu ngữ chứa chan những lời lẽ xúc động. Người ta đứng đợi, người ta làm dàn chào, người ta trổi nhạc, người ta hân hoan, người ta cổ võ, người ta biếu quà, người ta choàng vòng hoa ...

Tiếng la hò reo vang; hằng ngàn khuôn mặt hân hoan rạng rở tươi cười; muôn vạn những vẫy tay; đã làm anh ngộp đi trong sung sướng. Những gói kẹo, gói bánh được tới tấp liệng vào bên trong lòng xe quân xa Rê-mờ-xê (GMC) từ những lớp lớp người dân Quảng Ngãi đứng đầy hai bên đường phố.

Một nghĩa cử làm Việt cảm động đến ứa nước mắt là có một ông trung niên, có lẽ vì đến chậm sao đó, nên Việt thấy ông từ xa tất tả chạy theo chiếc xe cuối cùng nơi Việt ngồi. Mặc dầu xe chạy rất chậm, nhưng ông cũng phải vất vả lắm mới tiến gần được chiếc xe. Đến gần, Việt mới nhìn kỹ trên tay ông cầm một xấp tiền 500 đồng. Ông vừa hổn hển chạy theo xe của Việt, vừa giơ cao nắm tiền vừa gào lớn:

- Mấy chú cầm lấy mua thuốc lá.

Một thằng bạn của Việt ngồi ở dãy ghế bên kia nhoài người ra ngoài cầm lấy số tiền, nhưng có một ít tờ bạc vuột khỏi tầm tay rơi xuống đường phố. Ông dừng lại nhặt vội những tờ giấy bạc, hai tay ông nâng cao đưa qua đưa lại vẫy chào. Ông cố gắng la lớn, nhưng tiếng ông đã bị át đi bởi những tiếng reo hò ồn ào xung quanh ông. Một thằng bạn của Việt ngồi bên cạnh nói:

- Sướng quá mày, bây giờ cho tao chết cũng được.

Mà quả thật, có ai ở trong hoàn cảnh này mới thấu hiểu được nổi rung động của nó. Việt cũng cảm như vậy. Nếu lúc đó nó có chết đi, nó cũng không một mảy may hối tiếc. Trước đây, Việt thấy đời sống của mình thật bình thường và tẻ nhạt như bao nhiêu người khác. Nhưng bây giờ, cậu không còn nhìn thấy như vậy nữa. Lần đầu tiên trong đời, Việt thấy rỏ vai trò của mình. Việt thấy cậu và những đồng đội là những hiệp sĩ, là những người đem thân mình mang lại an bình cho người người. Việt nghiệm được sự hiện diện của mình trên cuộc đời này củng ý nghĩa ra phết.


Nếu có ai hỏi anh rằng: “Sự hiện diện của bạn trên cõi đời này có ích lợi gì cho xã hội, cho quê hương của bạn nói riêng, và cho nhân loại nói chung?”. Anh sẽ không ngần ngại trả lời rằng: “Đó là những năm làm Khinh Binh Biệt Động.”