NguoiLinhGiaXaQueHuong


Những Cứu Tinh



Trên Đồi Thường Đức



Văn Lan


Hình trên: Tuyến phòng thủ tây bắc (bên trái) của hậu cứ TĐ79/BĐQ, nhìn ra từ văn phòng ĐĐ1. Hình chụp vào năm 1973.

Lời ngỏ: Thường Đức hay Thượng Đức? Khì còn tại ngũ, tên quen gọi là “Thượng Đức”. Sau này, hai tên được dùng lẫn lộn tùy theo người viết, người nói. Nhưng tên gọi “Thường Đức” thì có lẽ được dùng thường hơn. Tôi có tò mò tìm xem Thượng Đức hoặc Thường Đức được chính thức gọi vào thời điểm nào nhưng rồi cuối cùng tôi phải bỏ đi ý định đó. Thượng Đức hay Thường Đức chỉ là một, không nhất thiết nói lên mốc thời gian nào. Giả như nếu có, cả hai tên đều nói lên một địa danh, một quận lỵ thật xa, xa lắm, về hướng tây của tỉnh Quảng Nam. Nơi có một trận chiến, vào mùa hè năm 1974, có ảnh hưởng trầm trọng đến vận mệnh của Miền Nam Việt Nam. Tại nơi đó, vào ngày 28 tháng 7 năm 1974 cho đến ngày 7 tháng 8 năm 1974, có khoảng 20 người lính BĐQ (Biệt Động Quân) kể cả thằng Sơn (Lao Công Đào Binh), thuộc Đại đội 1 của Tiểu đoàn 79/BĐQ, đã thi hành bổn phận bảo vệ Thường Đức trước sự tấn công của CSBV (Cộng Sản Bắc Việt) với quân số đông đảo gấp mấy mươi lần (theo những tài liệu của Cộng Sản Việt Nam). Ngoài Trung sĩ Khâm, thằng Dũng, thằng Sơn và tôi ra, tất cả những người còn lại (cho đến nay, tháng 5 năm 2023, vẫn không tin tức) coi như đã hy sinh trong trận này.


Trận Thường Đức - Ngày N-? – Trước ngày 28 tháng 7 năm 1974


Trên đường về hậu cứ tại Thường Đức, sau khi qua khỏi cầu Hà Tân, đoàn quân xa chở Tiểu đoàn 79/BĐQ rẽ phải, chậm chạp lăn bánh trên con đường đất tiến về đồi Thường Đức. Đến trước cổng Chi khu Thường Đức, cũng là nơi cuối đường, đoàn xe dừng lại và mọi người được lệnh xuống xe đi bộ lên đồi Thường Đức, hậu cứ của TĐ79/BĐQ. Đại đội 1 xuống xe trước. Chúng tôi, toàn thể đại đội 1, khoảng 30 người, tuy mệt mỏi sau chặng đường dài nhưng không dấu được niềm vui sắp được nghỉ xả hơi, nhanh nhẩu xuống xe.

Khi nhóm chúng tôi đang đi lên về hướng cổng Tiểu đoàn dưới con dốc, cùng lúc ấy, từ một con đường mòn về hướng tây ngược với chúng tôi, có một nhóm khoảng 6, 7 người xuất hiện. Họ im lặng đi hàng một, tiến dần về phía cổng. (Cổng phụ, từ làng đi lên – Cổng chính nằm trên đồi Tiểu đoàn, đối diện sân bay trực thăng.)

Đám lính chúng tôi xì xào với nhau:

- Lính nào vậy cà?

- Chắc tụi Nhảy toán?

- Nhảy toán thì đóng ở chỗ ni mần chi? Mà sao không đi bằng trực thăng mà lại lội bộ?

- Ừ nhỉ. Đi kiểu này thì nguy hiểm chết!

Không ai bàn thêm nhưng cùng đồng tình với cái nhận xét của nó. Chắc có lẽ họ là những người lính Nhảy toán, vì trong nhóm họ, có một số mặc quân phục rằn ri như chúng tôi, nhưng một số khác thì mang trang phục và vũ khí như quân CSBV. Khác với chúng tôi. Thay vì mang súng M-16 thì họ mang M-18 (tên quen gọi lúc đó), loại súng tựa M-16 nhưng ngắn nòng. Một điều khác lạ nữa là họ mang rất nhiều bi đông đựng nước, và trên người họ chỗ nào cũng đầy rẫy những túi đạn.

Lính BĐQ chúng tôi tự nhìn thấy mình đã khá ngầu lắm rồi. Thế nhưng mấy vị nầy còn thấy ngầu hơn nhiều nữa. Và cũng để bày tỏ sự nể vì cũng như biểu lộ sự hiếu khách, chúng tôi dừng lại nhường bước cho họ đi vào trước. Không thay đổi tốc độ, họ vẫn giữ khoảng cách của từng người đi vào cổng, sau khi thoáng nhìn về hướng chúng tôi như quan sát. Khi họ đi ngang qua, tôi nhận thấy họ cũng trạc vào tuổi chúng tôi nhưng có vẻ dày dạn và phong trần hơn.

Khi họ đi qua rồi, chúng tôi bắt đầu đi lên sau. Đến gần đầu dốc, thấy chúng tôi rẽ trái đi về nơi đóng quân, một người trong nhóm họ dừng lại hỏi:

- Đại đội 1 hở?

- Ờ.

- Ở đâu về vậy?

- Quảng Tín ... Quảng Ngữa.

Nhìn về nơi đóng quân của Đại đội 1, người Nhảy toán như đắn đo rồi nói:

- Nên đề phòng cẩn thận nhen.

Chúng tôi còn đang bâng khuâng không hiểu thì người lính Nhảy toán tiếp tục:

- Tụi nó đang tập trung quân về đây.

Nói xong, người Nhảy toán lẹ bước đi theo nhóm lúc này đang đi về hướng đóng quân của Đại đội 2. (Toàn thể Đại đội 2 đã bị giữ lại làm an ninh cho Liên Đoàn tại Núi Lở khi Tiểu Đoàn được lịnh trở vể đối đầu với cộng quân.)

=<>=

Khi nãy, lúc đoàn xe bắt đầu tiến vào địa phận Thường Đức, cũng có những người la ó kêu gọi mừng rỡ hai bên đường, nhưng bên trong những nụ cười đó dường như có một cái gì khác lạ. Niềm hân hoan như không hoàn toàn như những lần trở về trước đây. Ai nấy như có cảm giác một cái gì không ổn, một luồng ám khí như đang thập thò rình rập đâu đây. Lời cảnh giác của người lính Nhảy toán như xác định cái cảm giác bất an vừa rồi không hẳn là hoang tưởng.

Vài giờ sau, mặc dầu không chính thức thông báo, nhưng tin tức việt cộng có thể tấn công trong thời gian sắp tới được truyền đạt nhanh chóng trong đơn vị.

Xế chiều, Đại đội được lệnh qua bên Tiểu đoàn lãnh đạn. Ông Thường vụ đại đội cùng dăm ba người lính nữa khệ nệ khiêng về cả chục thùng đạn cùng những lương khô. Mỗi trung đội được lệnh mang phần của mình về chia lại với nhau.

Lời người lính Nhảy toán nhắn nhủ; Tin đồn có thể bị tấn công; Bổ sung đạn dược ngay trong ngày trở về hậu cứ. Tất cả những sự kiện trên đã cho mọi người có cái cảm giác viễn ảnh đánh nhau có thể sắp xảy ra. Nhưng đến khi đơn vị trưởng cho biết việt cộng tấn công nay mai thì mọi người bắt đầu tu bổ công sự phòng thủ và trữ nước chuẩn bị đối phó cho một cuộc chiến sắp tới.

=<>=

Vừa lãnh đạn, chúng tôi vừa bàn tán trò chuyện với nhau:

- Chắc tụi nó sắp khệnh mình thiệt. Hèn gì mà khi lúc về, tao thấy thiên hạ cười mà sao có vẻ méo mó quá.

- Tại sao mình không đánh ra Bắc hỉ? Đưa lưng cho nó đánh thì một ngày nào đó mình cũng chết! Mình cũng mất nước! Đánh đấm kiểu này thì 99 phần thua 1 phần huề.

- Chắc phải đợi một ngày nào đó, khi tụi Nga tụi Tàu không còn cung cấp vũ khí cho tụi nó nữa thì tụi nó chắc chắn phải về lại miền Bắc.

Chập sau, có đứa nói:

- Hê, tao nghe Nông Sơn mới bị mất đó mày.

- Gì? Tụi 78 hả?

- Ờ.

- Hồi nào?

- Mấy bữa trước.

- Chắc không? Nghe nói trại tụi nó cao với bốn bề vực thẳm mà!

- Tao hổng biết. Nghe đồn vậy.

- 77 mới bị đánh te tua. Giờ 78 mất. Chắc tới phiên mình quá.

Một đứa nhớ lại chuyện xưa bèn kể:

- Hồi mới ra trường tao nghe có đứa ở Đức Dục không muốn bị bổ sung về Tiểu đoàn 78. Tao hỏi “Sao?”, thì nó nói nó nghe nhiều người nói là ở đó, mỗi lần từ trại đi xuống làng ăn uống, khi về, tụi nó phải mua thêm một ổ bánh mì. Tao hỏi “Sao vậy?” thì nó nói để khi leo dốc đi về được nửa đường ăn tiếp để lấy sức.

Cả đám nghe xong nhăn nhó cười.

- Mà phải công nhận tụi nó có lợi thế hơn mình. Mình thì rải quân từng nhúm ra khắp mọi nơi để bảo vệ dân. Còn nó không dân nên tập trung chỗ nào cũng được. Lâu lâu nó nhắm vào một chỗ nào đó, rồi kéo quân về đánh, thì dù có Thánh cũng không đỡ được.

- Tụi nó chuyên môn chơi hội đồng.

- Sao giống như hồi tao bị móc túi.

- Mày bị móc túi?

- Ờ, hồi nhỏ. Lúc còn đi học. Bữa đó tao trốn học đi coi xi-nê. Đang dành giựt chen lấn với mấy thằng nhóc khác mua vé thì cây viết pa-ke mới cáu cạnh của tao bị một thằng lỏi, dân móc túi, đứng bên cạnh chỉa mất. Thấy nó cầm cây viết của tao mà mắt nó còn kênh kênh nhìn mình, tao bảo nó trả lại thì nó nói cây viết của nó rồi còn đấm tao một phát vào mặt. Ức quá, tao đục nó lại thì cả đám móc túi nhảy vô bịch hội đồng. Làm bữa đó tao bị phù mình, mất toi cái xuất xi-nê mà mất luôn cả cây viết.

- Tụi việt cộng cũng chẳng khác gì với đám móc túi. Hùa như một bầy chó hoang.

- Không súc vật, không phải cộng sản.

=<>=

Tối xuống, vài đứa chúng tôi tụ tập trên nóc lô-cốt (nóc hầm) ngồi uống trà, hút thuốc lá, nói dóc tán phét. Câu chuyện quay quanh những quán cà phê, rạp xi nê, tiệm bi-da, em út khu "đường rầy xe lửa" và cuối cùng cũng là những cô gái, người tình hay người-tình-tưởng-tượng.

Không xa lắm về hướng tây, độ chừng mươi cây số. Một vùng ánh sáng chợt rộ lên trong màn đêm. Sau đó, những tiếng động cơ nổ rồn vọng lại. Chúng tôi đồng giựt mình nhìn về nơi đó quan sát.

- Phải tiếng xe tăng của nó không?

- Chắc vậy. (sau này được biết đó là tiếng xe ủi cây dọn đường của CSBV)

- Không lẽ tụi nó tấn công đêm nay?

- Chắc chưa đâu. Chắc tụi nó đang chuẩn bị.

- Nếu xe nó ở đó thì người nó chắc đã có mặt ở mấy cái núi chung quanh đây rồi. Không chừng nó đang nhìn mình.

Một đứa nửa giởn nửa thiệt.

- Chắc là tụi nó sẽ đánh mình nay mai. Thằng nào chịu chơi thì ở lại. Đứa nào nhớ nhung em út thì lo kiếm đường dọt lẹ, trước khi bị nó xơi tái.

Một giọng khác hối thúc:

- Thôi xuống hầm lẹ đi.

Vừa đi xuống vừa càu nhàu.

- Hết chỗ nào làm đồn hay sao mà lại lựa cái lỗ thủng này. Ở trên đó nó liệng đá xuống thì mình cũng chết chớ cần gì phải đánh đấm.

- Cần gì phải liệng đá. Nó chỉ đứng ở trển tè không thôi thì mình ở dưới này cũng chết đuối, chết ngộp.

Ý nghĩ choảng nhau sắp xảy ra tà tà tụ về.

- Nói thiệt, tao hổng biết mình có thù oán gì với nó, mà tụi nó có vẻ hăm hở khệnh mình, làm như là mừng rỡ lắm?

- Có thể lắm. Chắc tụi nó cũng như ở tù và thiếu thốn đủ thứ. Mày tưởng tượng. Cả năm cả tháng ở trong rừng. Không xi nê, không bi da, không cà phê, không thuốc lá, không chè chén, không em út và không hàng trăm thứ khác nữa thì gặp mình là nó mừng mốn chết. Đánh chiếm được chỗ nào thì kiếm chác được tí đường, chút muối, thuốc lá, cà phê v.v…

- Sống như vậy thì tao sẽ đào ngũ dọt về nhà chơi sướng hơn. Chơi chán, đăng lính khác.

- Chắc tụi nó không có một sự chọn lựa nào khác. Trốn đi đâu? Đi đường nào để trở lại Miền Bắc? Mà đào ngũ như mày thì không những khốn khổ cho bản thân nó, mà cho cả gia đình nó, cho bố mẹ nó, cho cả giòng họ nó nữa. Không trốn về được thì phải ở lại. Mà ở lại thì phải làm kiếp lâu la. Nó bảo tiến lên thì phải tiến lên. Hên thì sống. Lỡ xui mà chết thì lại không chừng tốt hơn. Tao nghĩ, đối với họ, chết trong Nam tốt hơn là sống ở miền Bắc. Nó có chết thì gia đình nó mỗi tháng có thêm vài ký gạo độn, dăm miếng mỡ chài và vài tấc vải thô.

Một giọng pha trò:

- Sinh Bắc Tử Nam? Tử Nam Khỏe Bắc thì đúng hơn. Thảo nào mà có lần tao với nó cách nhau chừng hai thước. Nó thả súng xuống, vạch ngực xin xỏ tao bắn nó. Nó nói nhà nó khổ lẳm. Nó chết đi thì cả nhà nó được nhờ. Tao làm sao bắn được? Thấy tội nghiệp, tao chỉ nó về hướng thành phố, bảo nó đi về đó chiêu hồi. Nó thắc mắc chiêu hồi là gì? Tao giải thích là cũng như đầu hàng vậy nhưng mà không ở tù. Nó hỏi, ở tù là gì. Tao nói là bị giam bị nhốt không được ra ngoài. Nó gật gù. À, à. cải tạo.

Một thằng từ nảy giờ im lặng nay bổng phân vân:

- Hê! Ở trong rừng lâu ngày như vậy mà nếu tụi nó lượm được cái ba-lô của thằng nào có tấm hình khỏa thân, thì phản ứng của tụi nó ra sao hỉ?

Cả bọn thừ người tưởng tượng một lô hình ảnh buồn cười. Bổng có thằng lên tiếng:

- Có lẻ tụi nó sẽ khóc thét lên ... vì ...

- Vì sao?

- ... vì ướt sũng cả quần.

Cả đám ôm bụng cười bò lăn.

Như được gợi ý, một thằng lên tiếng:

- Hê, tao nghe mấy thằng ở bên Tiểu đoàn nói là trong trận vừa rồi, sau khi gom hết tất cả chiến lợi phẩm, tụi nó còn thấy có 1 cái đồng hồ se-cô-phai (Seiko 5) nữa.

- Thằng nào mà đeo cái đồng hồ đó chắc thuộc loại thứ dữ đây? Tệ lắm chắc cũng phải cở chính trị viên chính trị cục gì đó. Chớ mấy cái thằng cốt đột cắc ké thì chỉ có nhìn rớt nướt miếng, chớ làm gì mà đeo được cái đồng hồ.

Rồi nó thòng thêm:

- Mẹ, cả đời tụi nó làm sao mà rờ được tới mấy cái thứ đó!

Thằng nọ trầm ngâm:

- Hê, nếu là se-cô-phai thì chắc nó lột được của thằng nào đó ở bên mình?

Một thằng khác hắng giọng khôi hài:

- Giải phóng chớ hổng phải lột!

Thằng bị sữa lưng cao giọng thắc mắc:

- Giải phóng?

Thằng sữa lưng vẫn còn cười giải thích:

- Tiếng lóng mà. Ở trong này mình nói chôm chỉa là để chỉ cướp giựt. Còn ngoài Bắc thì họ nói là giải phóng.

Thằng thắc mắc giờ như đã hiểu, bèn phụ họa thêm:

- Tụi này chơi chữ khéo thiệt! Ở trong này mình xỉa xói cái đám cướp giựt thì mình nói là cái đồ quân chôm chỉa. Còn ngoài Bắc khi họ nói cái đám ăn cướp cho văn chương thì họ lại nói là ...

Thằng giải thích nhanh nhẩu tiếp lời:

- ... là cái đồ quân giải phóng.

=<>=

Ngày hôm sau, có những tiếng súng nổ rời rạc từ hướng phòng thủ của Trung đội 3. Hỏi ra mới biết họ đang điều chỉnh súng. Không thấy ông đơn vị trưởng nào tỏ vẻ khó chịu hay bất bình, chúng tôi được dịp lấy súng ra điều chỉnh cho thích hợp với địa hình nơi đây. Đồng thời, chúng tôi cũng tập bắn vào những nơi mà cộng quân có thể ẩn nấp. Cũng nhờ vậy một phần mà chúng tôi có thể cầm cự được lâu dài với những phương tiện hạn hẹp.


Trận Thường Đức - Ngày N - Ngày 28 tháng 7 năm 1974


Buổi tối trước ngày Thường Đức bị tấn công, cũng là ngày mà Trung đội 1 đến phiên trực có bổn phận đi ra nằm tiền đồn bên ngoài phạm vi phòng thủ của Đại đội 1.

Tiền đồn được thiết lập như một trại đóng quân nho nhỏ, bao gồm dăm ba cái hầm nổi được bao bọc chung quanh và trên đầu bằng những bao cát. Trại được dựng lên cách Đại đội 1 khoảng non cây số về hướng Tây Bắc. Vì là tiền đồn, nên nơi đây có nhiệm vụ quan sát và báo cáo tình hình, hơn là nghênh chiến với địch quân. Cho nên hệ thống phòng thủ không được xây dựng chắc chắn và bảo trì đúng mức.

Ngay từ đợt pháo kích đầu tiên, Trung đội 1 đã báo cáo về tình trạng bi quan của họ. Mặc dù có lệnh rút về căn cứ, nhưng họ không làm sao có thể di chuyển được khi toàn cả đồi Thường Đức ngập vùi trong cơn mưa pháo. Mãi đến khi cộng quân dứt pháo cho quân tấn công vào tiền đồn, đến lúc ấy Trung đội 1 mới có cơ hội rút lui về phía sau.

Không thể rút lui về bằng cách đi trở lại theo con đường mòn xuyên ngang hàng rào phòng thủ, Trung đội 1 phải tạt xuống hướng nam, nơi đang có một đơn vị Địa Phương Quân/Nghĩa Quân trú đóng. Kể từ đó, Trung đội 1 bị kẹt luôn ở bên ngoài, và chiến đấu chung với đơn vị bạn cho đến khi cả hai bị tràn ngập.

Quân số tham chiến trên đồi Đại đội 1 nay còn khoảng trên dưới 20 người lính, kể cả thằng Sơn (LCĐB).

(Trước đây, tôi cứ hình dung trong đầu phòng tuyến đóng quân của Đại đội 1 có chừng khoảng 25 cái lô cốt. Giờ nhìn hình đếm lại mới thấy khoảng non 30.)


Trận Thường Đức - Ngày N+1 - Ngày 29 tháng 7 năm 1974


Trong lần pháo kích hôm nay, kho đạn bị trúng pháo. Đạn nổ suốt cả giờ. Một phần lớn đồ tiếp liệu đã bị thiêu hủy. Chỉ còn một số rất ít lương thực và đạn dược khả dĩ còn xử dụng được.


Trận Thường Đức - Ngày N+?


Trời ngả dần về chiều. Sau gần cả ngày tấn công nhưng thất bại, cộng quân lui binh trở ngược khuất hẳn đằng sau triền đồi trước mặt. Những tiếng đạn từ bên phía phòng tuyến của lính Nhảy toán đuổi theo rời rạc. Bãi chiến trường đang ồn ào sống động bổng im lìm như một bãi tha ma.

Trong không gian còn vương nặng mùi thơm thơm cay cay của thuốc súng. Tôi mệt lả thờ thẫn không tự chủ để người rơi bệch xuống dưới lòng giao thông hào. Tuy nửa tỉnh nửa mê, nửa khùng nửa dại thì cũng không sai lắm, nhưng tai tôi vẫn còn tỉnh táo để nghe ngóng những động tĩnh chung quanh, vì chốc nữa đây cộng quân có thể mở màn cho một cuộc tấn công kế tiếp.

Trên khung trời thu hẹp chỉ bằng miệng của hai bên bờ giao thông hào, trong không gian, thỉnh thoảng, vang vọng lên những tiếng khóc, tiếng nấc, tiếng rên của cộng quân đang bị thương, bị bỏ lại bên ngoài hàng rào, nghe rõ mồn một. Quanh tôi, những người bạn bị thương nặng nhẹ cũng ai oán không kém. Những âm vang này như xoáy tận tâm can. Nghe thật não lòng.

Một thoáng vui chợt đến khi những tiếng súng phòng không của địch từ dãy núi bên kia sông, ồn ào bắn sẻ sang, lên trên vị trí của mình. Điều ấy chứng tỏ cộng quân đang thực sự nghỉ xả hơi, nên bọn chúng cho bắn sẻ để quấy rối. Tôi thấy mình chừ không phải rình rập đợi chờ nên nên bắt đầu kiểm soát lại thân thể mình cho kỹ lưỡng. Chỗ nào nặng hơn thì lấy băng cứu thương chỗ khác băng lại. Chỗ nào chỉ trầy trụa xơ qua thì cứ để mặc nó. Chỗ nào máu chảy rỉ rả thì lấy cát bụi đắp lại. Chảy một lúc thì nó cũng phải ngưng. Còn nó không ngưng thì lúc ấy sẽ tính sau.

Sau khi biết mình không bị sứt mẻ cho lắm. Tôi bèn lấy bao gạo xấy, loại Quân Tiếp Vụ phát hành, đổ vào một ít nước, xong rồi tà tà nhồi. Nếu nhồi đủ khoảng chừng 15 phút, gạo xấy sẽ mềm dần và chuyển thành xôi. Nắm xôi chấm với bột ngọt trộn muối ớt. Trong hoàn cảnh cùng cực như lúc này, bụng đói meo và không một loại thức ăn nào khác, nắm xôi gạo xấy chấm với bột ngọt trộn muối ớt ngon thật tuyệt vời, ngon hết xẩy, ngon tuyệt cú mèo. Nó phải ngon hơn bát cơm với muối Trạng Quỳnh dâng Vua năm xưa. Cái ngon của Vua là cái ngon khoái khẩu. Cái ngon của tôi là ngon đê mê. Vì nắm xôi tôi có bột ngọt.

(Trước đây, nhớ về những khoảnh khắc xa xưa, tôi làm lại món xôi này nhưng không tìm lại được nỗi đê mê ngày ấy. Một phần có thể khẩu vị tôi đã thay đổi. Phần nữa là gạo xấy tôi làm, dùng bằng máy Food Dehydrator, có thể không đúng như phương pháp chế biến của Quân Tiếp Vụ năm xưa. Và chắc cũng phải đợi nhầm lúc đói xây xẩm mặt mày rồi ăn thì mới may ra đúng bộ. Công thức: 1 phần bột ngọt, 1 phần muối, ½ phần ớt bột gia vị của Đại Hàn hay ớt hột thường cũng được.)

Dằn bao tử xong, chúng tôi chuyển sang tu bổ hầm hố. Những thanh sắt vụn, những chiếc nón sắt được xử dụng như cái cuốc cái xuổng để đào đất cho sâu hơn. Còn tôi thì cố khoét thêm cái lỗ giấu thân bên hông bờ giao thông hào cho lõm sâu hơn nữa để dấu mình trong đó cho an toàn hơn.

Trời đã vào tối. Côn trùng như đã tìm nơi lánh nạn. Không một âm vang nào khuấy động trong đêm. Trong không khí thê lương và oi ả của cái nóng mùa hè, đám lính chúng tôi vật vờ ngủ thức. Đứa nào gác thì cố gắng chong mắt nhìn xuyên trong đêm đen để phác giác những khả nghi.

Màn đêm như có phần lay động. Một loạt súng nổ về hướng tây bắc từ phía Trung đội 3. Những tiếng súng tiếp theo từ bên tuyến phòng thủ của lính Nhảy toán bắn sang hướng tây. Tôi bung mình trở về vị trí ứng chiến. Trong đêm tối như có những bóng người di động. Súng đạn hai bên bắt đầu nổ dòn tan.

Một trái sáng được bắn lên. Trên thân đồi trước mặt, vô số những bóng người xuất hiện. Tim tôi thắt lại như cầm hẳn cái chết trong tay. Tôi cơ hồ như nghẹt thở khi phải đối diện với hình ảnh trước mắt. Trời ơi! Tụi nó ở đâu mà đông đến thế này? Biển người chắc là đây.

Sau mấy ngày giao tranh, từ trên cao, chắc có lẽ họ đã thấy rõ Đaị đội 1 chúng tôi chỉ có mươi ngoe, chạy qua chạy lại, cố thủ lẻ loi bên này đồi, nên chúng tính dùng màn đêm và biển người để hy vọng chiếm được ngọn đồi của chúng tôi.

Mặc dầu chúng tôi đã được dặn đi dặn lại không biết bao nhiêu lần là cần phải bảo tồn đạn dược tối đa. Lệnh còn nhấn mạnh chỉ được bắn từng viên một chứ không nên bắn la-phanh trừ khi không còn sự chọn lựa nào khác. (La-phanh hay ra-phanh - Từ chữ “Rafale” tiếng Pháp, có nghĩa là bắn liên thanh, bắn tự động, bắn nổ liên hồi)

Bọn lính chúng tôi kháo nhau. Bắn từng viên hay bắn tự động thì cuối cùng đằng nào cũng thác. Thôi thì bắn liên tục cho chắc ăn. Biết đâu rủ thêm được một lủ bên kia theo mình đi chung qua bên kia thế giới, hơn là bắn từng viên một.

Lệnh thì lệnh. Nhưng sau một hồi bắn từng viên không thấy hiệu quả, mà tình hình càng lúc càng trở nên nguy ngập, ai nấy cũng đều mạnh tay siết cò, ngắn hay dài tùy theo tình hình trước mắt.

Hết lớp này nằm xuống thì lớp khác mò lên. Mặc dầu chúng tôi đã xử dụng tất cả những hỏa lực trong tay, nhưng bóng cộng quân, mỗi một phút qua là mỗi lần gần sát vào vị trí của chúng tôi. Sau một thời gian liên tục siết cò, những múi thịt đường gân của ngón trỏ như bị phải làm việc thái quá nên bắt đầu yếu dần, run lên rồi trở nên tê liệt không động đậy. Ngón tay không còn làm theo ý muốn.

Tình thế mỗi lúc mỗi trở lên nguy khốn. Bóng cộng quân thấp thoáng bên ngoài hàng rào. Đạn dược còn lại chẳng bao nhiêu. Trong tuyệt vọng, Trung Úy Tẩm, Đại đội trưởng Đại đội 1, yêu cầu Tiểu đoàn xin pháo dập ngay trên đầu chúng tôi.


Cứu Tinh Thứ Nhất: Thiếu Tá THIỆN


Hình trên: Hậu cứ Thường Đức - Hình chụp có lẻ trước năm 1971. Đơn vị Nhảy Toán (NT), cánh bên phải, đảm nhiệm vị trí phòng thủ của ĐĐ2/79/BDQ.

Lúc này, cộng quân đã có mặt lúc nhúc trên sân bay trực thăng. Chúng tôi như đang đối diện với cái chết. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng, thập tử nhứt sinh, một tiếng nổ long trời của đạn đại bác nổ ngay trên sân bay trực thăng, nơi cộng quân đang tập trung. Cộng quân như bàng hoàng khựng lại. Thêm một tiếng nổ tương tự kế đó. Cộng quân nhốn nháo thối lui về sau. Số còn lại chạy dạt sang hướng tây, trong đó có cả những cộng quân đang đối diện với chúng tôi.

Thêm một vài tiếng nổ nữa đuổi theo cộng quân. Lúc này chúng tôi mới nhận ra đó là đạn được bắn ra ngay từ phía bên cổng trên đồi Tiểu đoàn.

Chiến trường nguôi lại dần. Cơn kinh hoàng như lắng xuống. Không những tôi mà tất cả những người lính của Đại đội 1 đều tưởng mình như vừa chết đi sống lại. Chúng tôi thắc mắc không hiểu ai là người xạ thủ và súng đó là súng gì?

Sau đó, chúng tôi được biết đó là một loại súng “đại bác không giựt”, và người bắn là Thiếu Tá Thiện thuộc đơn vị Nhảy toán (sở dĩ tôi còn nhớ tên Thiện là vì trước đó người lái phi cở A-37 bị bắn rớt cũng mang tên Thiện và cũng mang cấp bực Thiếu Tá. Sau này, tôi được biết, lúc ấy, ông là Chỉ huy Trưởng Đoàn Công Tác 71). Tin cho biết thêm rằng: Nhìn thấy Đại đội 1 đang trong tình trạng nguy cơ sắp bị tràn ngập, ông bèn đẩy súng “đại bác không giựt” ra tận ngoài cổng chính Tiểu đoàn, bắn trưc xạ vào đám cộng quân đang vây hãm Đại đội 1 (không rõ súng gì và có ai phụ ổng đẩy súng ra không, nếu đẩy thì chắc phải có bánh xe). Ông bắn được 5, 6 viên gì đó thì súng hư, không xử dụng được. Cũng nghe nói rằng súng đã bị hư trước đó nhưng ông đã sửa và xử dụng kịp thời.

(Vài điều ngoài đề: Có lẽ vào khoảng tháng 9 năm 1974, trong thời gian dưỡng thương, tôi đang đi bộ trên con đường hướng vể Sơn Trà bên An Hải trước khu An Cư. Đột nhiên tôi có cảm giác như có ai đang nhìn mình. Quay sang hướng đó, khoảng non một thước, có một chiếc xe Jeep chạy chậm chậm. Trên xe có hai người lính mặc quân phục rằn ri và như là mang phù hiệu Bộ Tổng Tham Mưu. Ngoài người lính lái xe, tôi thấy có một vị mang cấp bậc Tá, dáng gầy gầy, ngồi bên cạnh đang nhìn tôi cỏ vẻ như tự hỏi điều gì. Tôi hơi ngạc nhiên với ánh mắt này nhưng đồng thời tôi có cảm giác như người này đang nhìn vào phù hiệu binh chủng. Tôi hơi phân vân lo lắng. Tôi không có diễm phúc quen biết quan chức nào trong quân đội. Mỗi lần quan để ý tới tôi thì chỉ có tội vạ chứ không có bình an. Khi xe chạy qua rồi, tôi chợt nghĩ đến Thiếu Tá Thiện người bắn đại bác đêm đó. Chiếc xe Jeep tiếp tục chạy về hướng Sơn Trà/Tiên Sha. Nghe nói ngoài đó có một đơn vị Nhảy toán, Lôi hổ hay Phòng 7 gì đó. Vậy thì người ngồi trên xe chắc là Thiếu tá Thiện. Vì có bao nhiêu Thiếu tá trong đơn vị loại này? Tôi đoán thế. Có thể đó chính là Thiếu tá Thiện và ông nhận ra con số 79 bên trên đầu cọp nên có cái nhìn hơi chăm chú.

Sau này, nhờ vào những thông tin trên web, tôi được biết Thiếu tá Thiện bị bắt trong trận này, sau đó thoát được, vinh thăng lên Trung Tá và định cư tại Hoa Kỳ. Tôi có ý định gặp ông để nói lời cám ơn cho hành động cứu nguy của ông đêm đó và đồng thời cũng muốn nghe những nhận xét cũng như tâm tình của ông trong trận chiến này, song vì miếng cơm manh áo không cho tôi có cơ hội thực hiện. Đến khi về hưu, gặp ông là một trong những điều tâm niệm mà tôi mong muốn thực hiện trong đời mình. Tôi bắt đầu dò xét tìm kiếm xem ông cư ngụ nơi đâu. Khi biết được khá rõ chỗ ở của ông, thì tôi cũng được biết rằng ông đã qua đời.

Vì vậy, xin thay mặt cho những quân nhân của Đại đội 1 tham chiến đêm đó, nói lên lời cám tạ muộn màng đến với Cố Trung Tá Bùi văn Thiện, Chỉ Huy Trưởng Đoàn Công Tác 71.)


Cứu Tinh Thứ Hai: HỎA LONG


Hình trên: Máy bay AC-47 của Không Quân VNCH

Linh tính như cho biết cộng quân quyết tâm chiếm lấy đêm nay. Chúng tôi tuy đã mệt rã người nhưng vẫn đủ tỉnh táo quan sát mọi nơi. Từng mỗi phút trôi qua không động tĩnh là mỗi một phút hồi hộp thấp thỏm.

Để tăng thêm khả năng kháng cự cho lần tấn công tới của cộng quân, bên này Đại đội 1 xin thêm đạn dược. Bên kia Tiểu đoàn gom góp từ những người lính khác được thêm 2 thùng đạn. Họ hẹn với chúng tôi điểm giao đạn khoảng giữa đường, gần nơí hầm trú ẩn của lính Pháo binh. Bên Tiểu đoàn cho người mang đạn đến điểm hẹn. Bên chúng tôi cho 2 người dò dẫm chạy qua tiếp nhận. Mang về rồi, chúng tôi nhận thấy đủ loại đạn như: M-16, M-60, M-79 và lựu đạn M-67. Tuy không đầy ắp thùng, nhưng chúng tôi cũng có thể cầm cự được thêm một thời gian nữa.

Không bao lâu sau đó, những tiếng la ó “xung phong”, “hàng sống chống chết” cùng những tiếng súng nổ vang xảy ra trên khắp mọi chiến tuyến của Đaị độ 1, Nhảy toán và Đại đội 3. Tuy nhiên mọi hỏa lực cũng như nhân sự như đều tập trung đánh thẳng vào phòng tuyến của Đại đội 1.

Cộng quân như đã thay quân nên sự di chuyển có phần nhanh nhẹn và đông đảo hơn đám quân trước đó. Bãi chiến đầy nhóc những người và người. Dù cho tất cả những ai thuộc Đại đội 1 siết cò liên tu bất tận, cho đến khi không còn đạn để bắn, chúng tôi vẫn không tài nào đốn ngã hết số người này.

Hằng mỗi phút trôi qua, cộng quân càng tiến sát vào nơi chúng tôi cố thủ. Chỉ một khoảng thời gian sau, cộng quân đã có mặt ngay bên ngoài bờ rào cuối cùng. Lúc này tôi có thể nhận ra mặt mũi bọn chúng. Tôi nghĩ chắc sắp đến lúc đánh cận chiến, đánh xáp-lá-cà. Không một lưỡi lê hay con dao nào trong tay, tôi nhủ thầm giây phút cuối đời hẳn là đây. Với trái lựu đạn M-67 để cận đó, nếu kẹt lắm, thì đành rủ thêm vài thằng bên kia bầu bạn mình cùng đi cho khỏi lẻ loi.

Những tiếng la ơi ới hối thúc chạy lẹ vào hầm. Ngỡ pháo binh mình bắn phủ đầu, tôi vội vàng lao mình vào trong lô-cốt.

Vào trong rồi, tôi nhận thấy bóng cộng quân đã vào hẳn bên trong hàng rào. Khoảng cách giữa họ và chúng tôi chỉ còn vài thước.

Từ trên không, những tiếng hụ chát chúa kéo dài từng hồi vang ra nghe dựng tóc gáy, rợn cả người. Đạn ào ạt rơi xuống dữ dội hơn cả mưa đá. Tiếng đạn đâm xuống đất nghe thình thịch liên tục. Mặt đất rung động không ngớt. Có bóng người cố thoát thân nhảy vội vào giao thông hào nhưng nửa chừng bị đốn quỵ. Những tiếng la ó ồn ào xung phong bỗng ngưng hẳn. Bãi chiến trường chỉ còn tiếng hụ trên không và tiếng đạn rủ nhau liên hồi đâm vào lòng đất.

Trốn trong hầm, nghe đạn ghim trên nắp hầm từng hồi. Tuy biết mình được nắp hầm che chở, nhưng khi đạn đâm ngay bên trên, nắp hầm rung lên như động đất. Cát bụi theo vết nứt rơi bay lả tả khắp mọi nơi. Tiếng đạn ghim mạnh xuống trên nắp hầm cơ hồ như muốn xuyên thủng. Tôi hồi hộp lo sợ không biết nắp hầm có ngăn cản được hay không? Biết đâu có một chổ nào không được dày lắm gặp phải viên đạn mạnh hơn bay qua? Nhỡ có một viên nào đó, nó buồn buồn đâm thủng xuyên qua nóc hầm đi kiếm mình thì coi như đời mình tiêu tùng. Mà nếu nó còn rủ thêm hai ba viên nữa đi xin mình tý huyết thì mình sẽ thành người chết tới ba bốn lần. Câu hỏi liệu mình có thoát qua được đêm nay cứ lòng vòng chạy đi trở lại trong đầu. Nổi ám ảnh viên đạn xuyên qua nóc hầm làm mình hồi hộp co rúm không dám cục cựa động đậy. Lòng chỉ thấp thỏm mong đạn đi chơi chổ khác.

Chập sau, súng ngưng bắn. Bãi chiến trường hoàn toàn im lặng. Một sự im lặng đến rợn người. Những tiếng nấc, tiếng rên, thường vang vọng nay không còn nữa. Nhắm mắt lại, mình tưởng chừng như đã bước sang một thế giới khác. Dưới ánh sáng lung linh của hỏa châu, không một hình hài di động. Nếu không có những thân người vương vãi khắp nơi, không ai biết nơi đây vừa xảy ra một màn chém giết rùng rợn hãi hùng. Cảnh tận thế nếu không phải là đây thì là đâu?

=<>=

Ánh sáng của một ngày mới dần dà rộ lên từ phương đông. Một vài áng mây bay thong dong dưới ánh nắng hồng.

Thành phố Đà Nẵng xa xa với những nhộn nhịp của một ngày mới. Mùi thơm của bún bò xứ Quảng phảng phất khắp mọi nơi.

Nơi đây đầy rẫy những thân người bất động nằm la liệt. Mùi hôi thối từ những tử thi đã vữa nát sình chướng trước đây len lỏi vào tận chiến hào.

=<>=

Đó đây chập chập vang lên những tiếng súng. Tôi dấu mình ngồi bệt dưới lòng giao thông hào. Thấy mình vẫn còn hiện hữu sau cơn mê. Ngụm trà nóng như mang lại một chút ấm áp cho người lính. Nỗi đê mê lâng lâng theo khói thuốc sau một cái rít dài.

- Người của nó ở đâu mà nhiều thế hả? Hổng lẽ ở ngoài đó tụi nó khuyến khích sinh con đẻ cái tưng bừng?

- Chắc ngoài đó cũng không có gì để giải trí nên sinh sản là một thú tiêu khiển. Vừa tìm vui, mà cũng vừa cung cấp lâu la phục vụ cho Đảng.

Hình trên: Máy bay AC-47 được trang bị 3 khẩu M-134

(Vài điều ngoài đề: Sau này, tôi mới biết rằng đạn bắn ra từ trên không là do chiếc máy bay, không rỏ AC-47 hay AC-119, của Phi Đoàn Vận Tải Võ Trang, Hỏa Long 417, 817, 819 hay Tỉnh Long 821, của Không Quân VNCH. Một loại vận tải cơ được cải biến trang bị 3 cây súng nhiều nòng M-134 hoặc MXU-470/A, đặt kế nhau theo một hàng ngang bên hông trái máy bay, khai hỏa bằng điện. Cả 3, cùng lúc, có khả năng bắn ra 18,000 viên đạn 7.62 ly trong 1 phút, hay 300 viên trong 1 giây. Tùy theo nhiều yếu tố, khi bắn ra, trung bình, cứ mỗi 2 tấc đất vuông thì lãnh một viên đạn.

Đã từ bao năm qua, tôi có để tâm tìm hiểu thêm tin tức về sự kiện đêm đó từ những trang báo của Không Quân VNCH hay thân hữu. Nhưng tuyệt nhiên không một tin tức nào nói về câu chuyện đêm đó. Cho đến nay vẫn hoàn toàn khômg một dữ kiện nào. Tôi đoán, có thể những người có mặt hay liên quan tới đêm đó, đã quá cố hoặc không có phương tiện thông tin.

Để bày tỏ sự cảm kích, tôi cũng xin thay mặt cho những quân nhân của Đại đội 1 tham chiến đêm đó, nói lên lời cảm tạ đến những người có mặt trên chuyến bay, đã không tiếc mình bay trong hỏa lực phòng không của địch để yểm trợ Đại đội 1 bên dưới. Và cũng xin cám ơn đến những vị nào đã tham gia trong việc đi đến quyết định đưa “Hỏa Long” vào vùng tham chiến yểm trợ chúng tôi. Xin nhận nơi đây lòng biết ơn vô cùng của chúng tôi.)


Trận Thường Đức - Ngày N+10 - Ngày 7 tháng 8 năm 1974


Trời vừa hừng sáng, từng đợt pháo kích đã mở màn cho một ngày mới. Cường độ pháo kích hôm nay có phần dữ dội hơn những ngày trước, báo hiệu cho thấy có sự thay đổi chiến thuật.

Sau pháo kích, cộng quân bắt đầu dùng pháo bắn trực tiếp vào những lô-cốt hoặc giao thông hào nơi Đại Đội 1 phòng thủ. Những căn hầm nào còn chống chỏi được cho tới hôm nay cũng đã bắt đầu rung chuyển. Từng đoạn giao thông hào dần dần bị san bằng. Nơi Trung Đội 3 phòng thủ là nơi chiến đấu quyết liệt nhứt nên trở thành là mục tiêu chính cho những khẩu đại bác từ bên kia sông bắn sang.

Từng quả rồi từng quả, những trái pháo liên tục nổ trên đầu tuyến phòng thủ của Trung đội 3.

Dù có thành đồng cốt sắt cũng không làm sao có thể đứng vững trước sự tàn phá khủng khiếp này. Lần lượt, từng cái hầm bị sụp đổ. Từng đoạn giao thông hào bị san bằng. Một trái pháo nổ ngay trên bờ hầm của Trung Úy Tẩm, Đại Đội Trưởng Đại Đội 1, máu từ đầu ông chảy xuống che khuất một bên mắt.

Trên sân đồi, từng cột đất được móc lên quăng tung tóe trong không gian. Trong bụi mờ, thằng Dũng, thằng Đức rồi Tr/S Khâm khập khểnh theo giao thông hào đi xuống. Nhìn họ xuống tôi biết rõ cái ngày sẽ đến rồi phải đến.

Khi thấy rõ tiểu đội của Tr/S Khâm thuộc Trung đội 3, đã rút về sau, cộng quân bèn ngưng pháo cho bộ binh tiến chiếm. Bóng cộng quân bắt đầu lố nhố từ bên vị trí của trung đội 2, đã bỏ trống từ mấy ngày nay, dò dẫm tiến sang. Chúng tôi, còn lại vài ngoe, chỉ còn lại vài thước phòng tuyến bên này chia nhau đâu lưng bố trí.

Tiếng thằng Tư trong máy báo cáo về Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn tình trạng của Tr/U Tẫm và yêu cầu rút về bên đồi của Tiểu Đoàn cố thủ.

Có tiếng bên Tiểu Đoàn gọi qua. Thằng Tư cầm máy lên nghe. Nó dạ dạ một vài lần rồi cúp máy. Quay sang Tr/U Tẩm nó nói:

- Đại bàng kêu zulu. (Di chuyển – Trong trường hợp này ám chỉ rút lui)

Từng người một rời khỏi phòng tuyến băng vội qua bên kia vòng đai của Tiểu Đoàn. Ai qua trước xong thì yểm trợ cho lớp qua sau. Sau khi tất cả đã qua hết bên này an toàn. Nhìn lại, tôi thấy ba bốn tên cộng quân đang mon men tới gần nơi chúng tôi vừa cố thủ trước đó không bao lâu.

Đại Đội 1 bị thất thủ kéo theo Đại Đội 3, rồi Tiểu Đoàn, tiếp theo Chi Khu Thường Đức. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ mà tình thế đổi ngược trở nên hoàn toàn vô vọng. Những tiếng la kêu đầu hàng nhưng những từ ngữ đó không nằm trong ngôn ngữ của chúng tôi.

Trận chiến sắp đến hồi ngã ngũ. Chúng tôi đã làm quá sức mình.

Thằng còn sống, nương theo hoàn cảnh đẩy đưa, quờ quạng đi tìm đường sống trong muôn ngàn lối chết.

Thằng đã chết, chắc cũng chẳng tiếc gì. Ít ra, nó cũng tóm được vài chục thằng bên kia đi theo, hộ tống nó.

=<>=

Mặc dầu TĐ79/BĐQ đã gây thiệt hại cho cộng quân một tổn thất lớn lao, nhưng đến khi tất cả những tài vật và nhân sự đều kiệt quệ, Thường Đức đã lọt vào tay cộng sản. Sau đó, nhận thấy QLVNCH không có ý định lấy lại Thường Đức, cộng quân nhận ra hỏa lực của QLVNCH đã sút giảm xuống chỉ còn ở mức tự vệ đến cầm chân, 6 tháng sau đó, bọn chúng bèn đồng loạt tung ra những trận tấn công, quy mô hơn, có tính cách dứt điểm, vào những địa điểm chiến lược quan trọng trên khắp lảnh thổ Miền Nam, và cuối cùng ông Tông Tông Dương văn Minh ra lệnh buông súng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

=<>=

Với những mất mát quá to lớn, thoảng khi một mình với hơi men, tôi thường bâng quơ nghĩ ngợi tầm phào vu vơ:

Giả sử, Liên Đoàn Trưởng Liên đoàn 14 BĐQ đừng giữ lại Trung đội 2 của Đại đội 1 và toàn thể Đại đội 2 của Tiểu đoàn 79/BĐQ, tất cả khoảng 50 quân nhân, làm an ninh cho Liên đoàn. Đại đội 1 chúng tôi có thêm 10 người của Trung đội 2 trấn giữ vào phòng tuyến của họ để giảm thiểu gánh nặng cho Trung đội 3, thì có lẽ chúng tôi có thể tử thủ được thêm một thời gian nữa. Và nếu chúng tôi được tăng cường thêm Đại Đội 2 thì ngọn đồi Đại đội 1 nay được thêm 50 tay súng. Với tất cả khoảng 70 tay súng, thay vì 20 như lúc này, chúng tôi có thể cầm chân địch quân lâu dài hơn. Biết đâu cục diện có thể thay đổi trong quảng thời gian này và Thường Đức không bị mất?

Và giả sử, cả 2 ông: Liên Đoàn Trưởng Liên đoàn 14 BĐQ và Chỉ Huy Trưởng BĐQ QĐ1/QK1 không màng khó khăn hiệp lực vận động gom quân từ những đơn vị bạn cùng binh chủng để dồn về tiếp tay Tiểu đoàn 79/BĐQ thì cục diện có cơ may thay đổi. Thường Đức chắc không lọt vào tay việt cộng.

Và giả sử, cả 2 ông: Trung đoàn trưởng Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn 3 và ông Sư đoàn trưởng của Sư đoàn 3, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp bảo vệ vùng Thường Đức, bất chấp trở ngại, đưa quân ào ạt tiếp cứu Thường Đức. Thường Đức chắc chắn không bị mất và Miền Nam Việt Nam vẫn còn tồn tại.

Và giả sử, Miền Nam Việt Nam sống khùng sống dại được đến cuối thập niên 70, trong khi nền kinh tế Đài Loan phát triển nhanh chóng. Đài Loan ở vị thế khát khao đồng minh trên chính trường quốc tế, trong khi Miền Nam Việt Nam lại là một đồng minh ủng hộ Đài Loan nhiệt thành nhất, Đài Loan chắc chắn sẽ đi đêm giúp Miền Nam Việt Nam có thêm phương tiện chiến đấu cho đến thập niên 80.

Và giả sử, Miền Nam Việt Nam sống còn đến đầu thập niên 80, trong khi chủ nghĩa Cộng sãn bên Châu Âu bắt đầu lung lay. Kinh tế Nga Sô lộ rõ sự suy giảm. Nga Sô sẽ giảm thiểu cung cấp vũ khí cho Miền Bắc. Trung Cộng bận rộn trong việc mang lại miếng ăn cho người của nó, mà lại có tật ăn chận bớt một số vũ khí Nga Sô cung cấp cho Miền Bắc mỗi khi chuyên chở ngang qua đất Trung Cộng. Miền Bắc không còn đủ phương tiện để tiếp tục xâm lăng. Miền Nam có cơ hội thay đổi thế cờ với sự trợ giúp trội bực của Đài Loan, vì nền kinh tế của Đài Loan lúc này đã vững mạnh và phồn thịnh có phần ngang ngửa hay trên cả một số những quốc gia Châu Âu.

Và giả sử, Miền Nam Việt Nam tồn tại đến cuối thập niên 80. Kỹ nghệ điện tử phát triển vượt bực giúp cho những kỹ nghệ khác sản xuất hàng hóa được nhanh chóng và dể dàng hơn. Vũ khí được chế tạo tối tân, tinh vi và hiệu quả gấp bội phần so với năm trước đó. Giá thành do đó cũng thấp xuống. Những quốc gia nghèo nay có khả năng nâng cao an ninh quốc phòng. Những phương tiện vũ khí tối tân như: Máy rà; Máy thu hình vô tuyến; Mắt thần; Súng đạn với sức công phá cao được bắn chính xác từ xa bằng vô tuyến v.v.. Tất cả đều có khả năng chận đứng mưu đồ xâm lăng của Miền Bắc bên ngoài biên giới. Những phương tiện thông tin như: Điện thoại; Vô tuyến truyền hình; Máy vi tính; Máy quay phim v.v…được phát triển rộng rãi đến mọi tầng lớp trong xã hội. Tin tức hình ảnh được truyền đạt nhanh chóng, chính xác và dể dàng. Do đó:

  • Những tên đần-độn-lú-lẫn-chính-tà, bị ma đầu giựt dây xúi ăn cứt gà, sẽ không còn dể dàng thập thò chui ra chạy vô thu góp miếng ăn, hoặc có chổ chui rúc an toàn, để rình rập làm chuyện giết người, sách nhiễu dân chúng.
  • Những kẻ phản-trắc-lưu-manh-hám-danh-hai-mặt, một loại đĩ-chính-trị tân thời, sẽ không còn nhởn nhơ tụ tập thả bướm cầu vinh, đội lốt trá hình hầu quấy phá lũng đoạn xã hội, an ninh của Miền Nam Việt Nam.

    (Nếu bán trôn nuôi miệng mà người đời cho là đĩ, thi kẽ bán linh hồn lương tri cho giặc thì phải là đĩ-chính-trị. Một loại đĩ hạ cấp nhất trong bảng xếp hạng của giới đĩ.

    Đĩ bán trôn vì bản năng sinh tồn, không kế sinh nhai. Không hài lòng với hoàn cảnh hiện tại nhưng không chủ trương hảm hại đồng loại.

    Đĩ-chính-trị, được nuôi dưỡng bởi sông nước và hấp thụ tinh hoa văn hóa của Miền Nam Việt Nam, không vì miếng ăn, nhưng manh tâm làm tay sai cho giặc giết hại đồng bào.

    Loại đĩ-chính-trị này là một giống người phản trắc lưu manh chạy theo hư danh. Cái đau đớn và tủi nhục nhất là không được tin dùng từ cả hai bên. Nếu hên, chọn đúng bên thắng thế, thì được bố thí chút hư danh. Nhưng đồng thời, lúc nào cũng bị mọi người, kể cả bạn bè và thân quyến, nghi kỵ dè dặt hay xa lánh. Vì vậy, hạng người này luôn sống trong cô đơn. Vì có mấy ai ngu ngơ, muốn giao du gần gủi với những kẻ phản phé bán rẻ lương tâm bao giờ?

    Bên cạnh phải đối diện với những ánh mắt chế riểu hằng ngày, hạng người này còn phải sống trong nổi phập phòng hồi hộp và lo sợ. Vì biết đâu, vào một đêm âm u nào đó, có ông kẹ nào bên phe thắng thế, chợt nhận thấy chuyện xưa không còn ích lợi nữa, bèn nửa đêm tìm đến gỏ cửa mời đi mò tôm; và có thể cả nhà cùng thân nhân của nó đi theo nữa không chừng. Vì làm sao tin được hạng người này không bốc đồng khoe khoang thành tích trong cơn say men chiến thắng.)

  • Và những tên ma-đầu, một loại điếm-chính-trị của thời đại. Nhóm người này chủ trương tham gia chính trị theo ngõ tắt bằng cách cướp chính quyền, hay nói theo xảo ngữ của dân điếm đàng là đi làm “cách mạng”. Những tên ma-đầu điếm-chính-trị này sẽ lâm vào tình trạng khó khăn tìm kiếm hậu thuẫn từ ngoại xâm, và cũng sẽ không còn có những tên đần-độn phản-trắc để mà dụ dỗ làm chuyện lật đổ.

    (Những tên điếm-chính-trị này, trực tiếp hay gián tiếp được Tây hoặc đám bưng bô cho Tây nuôi ăn học nhưng không biết ăn phải cái bả gì mà bị tẩu hỏa nhập ma. Mặc dù, từ cách ăn mặc lời nói cho đến cử chỉ của họ đều biểu lộ dáng dấp của một con người văn minh từ trời Âu, nhưng bộ óc của họ thì đặc sệt một cục phong kiến. Nhóm người này chủ trương đi học là để làm quan. Nhưng học xong chờ hoài mà chẳng thấy ai rủ rê tham chính. Còn tham gia ứng cử như những chính khách chân chính thì họ lại không có khả năng. Họ nhận thấy con đường quan lại của mình không như mong đợi mà còn đen như mõm con chó mực. Họ đâm ra bất mãn với chế độ vì đã không ban phát cho họ một chút công danh. Từ đó, họ trở nên thù ghét và có những hành động cũng như ngôn ngữ đả kích chính quyền.

    Miền Bắc thấy đây là một cơ hội hiếm có để làm suy yếu Miền Nam mà không cần phải nhúng tay. Thế là những nhân vật này được móc nối chiêu dụ phục vụ Miền Bắc bằng những quyền uy treo lủng lẳng trước mõm. Để cứu vãn danh dự với chòm xóm láng giềng, những quái nhân kỹ sư bác sĩ này cùng một số những sư-sĩ v.v... đồng loại của chúng, thay vì dùng những học hỏi tài năng của mình để xây dựng hoặc cứu người, thì họ lại hoan hỉ đi làm chuyện phá hoại hoặc gây cảnh nồi da xéo thịt cho những người cùng chủng tộc để được trở thành ông này bà nọ.

    Sau bao nhiêu năm cúc cung phục vụ Miền Bắc, có mặt trong tất cả những buổi hội họp quan trọng. Ngày thành công, khá hơn những tên đỉ-chính-trị, điếm-chính-trị được bên thắng thế ban phát chức tước khá cao. Nhưng đồng thời, những người này cũng nhận ra một sự thật bẻ bàng rằng họ không còn được ve vãn trọng dụng như xưa. Và cũng không còn được tham gia vào những quyết định có ảnh hưởng đến lịch sử. Những phát ngôn ngày nào được nhiệt liệt vổ tay đón nhận như những lời vàng ngọc, nay lời nào phun ra cũng chỉ nhận được những cái trố mắt hay những cái nhíu mày.

    Một số rất nhỏ, tin rằng mình đã thành thánh. Cứ tưởng bùa phép của mình vẫn linh thiêng, nên vẫn tiếp tục ồn ào lên đàn múa may hô phong hoán vũ. Có lẻ vì nhảy múa bắt đầu lố lăng, không còn đẹp mắt nữa, nên những tên điếm-chính-trị̣ này được những người, một thời đã từng là anh em xưa, kéo xuống vổ về bắt đi ngủ sớm.

    Một con số khá đông khác, tuy cảm thấy ê chề khi phải phải đối diện với những khinh rẻ từ những anh em xưa, nhưng vẫn còn ham vui, không muốn đi ngủ sớm, cho nên họ gồng mình chịu đấm ăn xôi, hoan hỉ tình nguyện ra rìa, cúc cung tán dương người anh em để được duy trì miếng ăn và tước vị. Để lâu lâu, được người anh em vẽ mặt, tô son trét phấn, mang hia đội mão, cho lên đàn nhãy múa vài màn. Tuy không được hả hê cho lắm, nhưng ít ra, những tên điếm-chính-trị̣ này cũng nhận được những ánh mắt thán phục nể vì, từ những anh chăn trâu hay mấy em gánh nước.

    Số còn lại, biết mình gặp phải cao tay bèn ngậm đắng nuốt cay. Những tên điếm-chính-trị bịp-bợm này không đủ can đảm hứng nhận những ánh mắt hay nụ cười chế giễu từ những người anh em xưa. Họ bèn tươi cười rút lui vào trong bóng tối để sống nốt quảng đời còn lại mà không một lời kêu ca than vãn. Chứ nếu mà tỏ ra bất mãn hoặc đã kích thì có ngày bị chích thuốc bổ hay uống cà-phê đen.

    Không biết, có bao giờ những tên điếm-chính-trị̣ này nghĩ đến những tham vọng của họ đã giết chết bao nhiêu sinh linh. Làm cho hằng triệu gia đình ly tán, hàng muôn vạn gia đình lâm cảnh màn trời chiếu đất. Liệu họ có hảnh diện kể lể những thành tích của họ cho con cháu? Con họ có thể bị hỏa mù. Nhưng cháu họ, có thể đã và đang, nghi ngờ cái quá khứ của họ.

    Có thể, vào một lúc nào đó trong ngày tháng cuối đời. Họ ước ao được sống lại dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Tuy không được danh giá như họ muốn, nhưng họ được tự do thoải mái chưởi bới cái chế độ mà họ cho là bất công đối với họ. Họ nghênh ngang huênh hoang bêu réo nguyền rủa chế độ chính trị của Miền Nam Việt Nam. Con cháu họ vẫn được ăn học đến nơi đến chốn. Không chừng con cháu họ còn tiếp tục hoạt động theo bước cha ông. Gia đình họ vẫn có những giấc ngũ êm đềm, vì họ không bao giờ bận tâm bản thân họ hay gia đình họ bị sách nhiểu trả thù. Họ tìm được hạnh phúc khi có một số người xum xoe tán dương thần phục họ. Rồi sáng ngày hôm sau, họ lại tiếp tục nghênh ngang huênh hoang bêu réo nguyền rủa cái chế độ chính trị của Miền Nam Việt Nam cho thỏa thích. Và họ lại tiếp tục nhận được những sùng bái từ đám đông đần-độn phản-trắc. Tự ái họ được thoả mãn. Ôi, một đời sống đầy ý nghĩa. Nhưng đã trể.)

  • Và từ đó, Miền Nam Việt Nam không còn bị ngoại xâm nội giặc tàn phá quấy rối nên theo đà phát triển song song với những quốc gia lân cận, mang lại đời sống ấm êm và bình an đến với mọi người.

    =<>=

    Loanh quoanh với quá khứ - Trước đó, mỗi lần hành quân, chúng tôi không những chỉ nhận được đạn dược đầy đủ, mà còn nhận được cả sự yểm trợ từ những đơn vị bạn có trách nhiệm trực tiếp trong vùng. Lần này, đạn dược thì không. Còn yểm trợ thì chỉ ở mức từ có lệ cho đến bố thí. Tôi bâng khuâng: Hổng lẽ, những bậc lãnh đạo Miền Nam Việt Nam, sau mấy mươi năm không ngơi nghĩ chống chỏi sự xâm lăng của Miền Bắc đã dần dà thấm mệt. Nay sức cùng lực cạn, nên không còn tha thiết tranh đấu cho sự sống còn của Miền Nam Việt Nam?

    Rồi tôi nhớ lại một chuyện xưa: Năm 1973, Tiểu đoàn trưởng TĐ79/BĐQ lúc bấy giờ là Thiếu Tá Nguyễn văn Đáp, đã hy sinh binh nghiệp của mình, bằng cách tự ý điều quân không màng tham khảo với thượng cấp. Để trả giá cho hành động của mình, Thiếu tá Đáp đã bị chuyển sang Địa Phương Quân. May cho ông là nhằm vào lúc nhân sự thiếu kém. Chứ nếu không thì ông chắc phải khốn đốn trăm bề.