NguoiLinhGiaXaQueHuong

Chiến Lợi Phẩm

Nàng ngước lên nhìn tôi với ánh mắt trìu mến. Tôi thấy mình chơi vơi trong hạnh phúc. Tôi chợt khám phá ra huy chương của tôi. Huy chương ấy là ánh mắt trìu mến cảm thông của nhà tôi. Một huy chương không nằm trong cấp số của quân đội.


Nhân xem một đoạn phim tài liệu nói về những người lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam, trong đó, những người lính Mỹ cho tập đoàn quay phim xem những chiến lợi phẩm hay những vật lưu niệm mà họ mang về, rồi hãnh diện thích thú kể về xuất xứ của những món vật đó như là những chiến tích oai hùng của mình.

Thấy vậy, nhà tôi quay sang hỏi tôi:

- Vậy hồi đó anh có những chiến lợi phẩm nào không?

Câu hỏi khiến tôi hơi khựng lại suy nghĩ một chút. Đồng thời, một ý nghĩ thoáng qua trong tôi mà trước giờ tôi không để ý. Ấy là, một số lính Mỹ cho rằng, sang Việt Nam tham chiến như là một chuyến viễn du với đầy đủ tính chất phiêu lưu, hồi hộp, đổ mồ hôi lạnh, rùng rợn, dựng tóc gáy, vãi ra quần, khóc lóc kêu cha gọi mẹ bù lu bù loa. Họ qua Việt Nam, như thể đến một vùng đất chết, ráng làm sao giữ cho hình hài thân thể nguyên vẹn được một năm, chỉ một năm thôi, rồi sẽ đi về. Vì vậy, khi về, theo thói quen, họ phải mang về một vài món đồ như là quà kỷ niệm cho cái thành tích vĩ đại hy hữu trong đời cũa họ là sống sót được một năm trên mảnh đất Việt Nam.

Khi còn tại ngũ. Tôi có nghe kể về những người lính Mỹ sục sạo tìm mua những “chiến lợi phẩm” trước khi về Mỹ. Đây cũng là dịp cho mấy anh lính phe ta kiếm tý tiền còm. Mỗi lần thanh toán xong mục tiêu, phe ta bèn cất dấu những gì có thể bán được cho đám lính Mỹ mang về để tụi nó làm kỹ niệm (khoe khoang). Nghe nói là súng K-54 và súng CKC là có giá nhất. Đó là những anh lính Mỹ làm việc ở văn phòng, chưa từng đánh nhau. Còn những anh nào có tham gia trận mạc, thì một năm ở Việt Nam, mỗi anh đụng trận nhiều lắm là chừng vài lần. Mỗi lần đụng thì ngồi đợi cho máy bay đại bác đốt cháy hay san bằng mục tiêu đến con chuột cũng phải chết, rồi lên lượm đồ việt cộng mang về cho có vẻ le lói ta đây.

Qua chuyện phim, tôi thấy họ mang về đủ thứ. Từ viên đạn cho đến khẩu súng. Từ đôi dép râu, dây nịt cho đến cái quần, chiếc áo. Duy chỉ có một thứ mà tôi không thấy họ mang về. Đó là quần lót, áo lót của tụi việt cộng. Nghĩ lại, tôi cũng hổng biết cái đám việt cộng nó có mặc đồ lót không nữa. Nếu có, tôi nghĩ, chắc họ cũng mang về treo chễm chệ trong phòng khách như những cái đầu nai đầu bò mà họ săn được.

Tuy biết đây là những đồ vật kỷ niệm nhưng sao tôi thấy hành động này mang vẻ man rợ như binh lính thời thượng cổ thường làm.

Còn lính mình thì đánh giặc năm này qua năm nọ. Chỉ có chết hoặc bị tàn phế, thì mới hết chuyện binh đao. Có vui vẻ hay ho lạ lùng gì mà phải giữ mấy cái “chiến lợi phẩm”.

Riêng tôi có tính sợ ma từ bé. Chiến lợi phẩm là đồ của người chết. Chỉ đụng tới mấy thứ đó không thôi mà tôi còn nổi da gà, thì bố bảo, tôi cũng không dám giữ nó bên người. Lỡ hôm nào buồn buồn nó hiện về đòi lại thì sao?

Nghĩ vậy nên tôi nói cho nàng biết là tôi không có một chiến lợi phẩm nào hết. Nhưng tôi có một câu chuyện, có liên quan đến cái gọi là chiến lợi phẩm, nhưng tôi không có giử nó, nếu nàng muốn nghe.

Nàng gật đầu đồng ý.

=<>=

Đầu năm 1973. Chỉ còn vài ngày nữa là hòa bình. Đâu đâu cũng nghe mọi người vui mừng bàn tán xôn xao. Những ước mơ từ lâu tưởng chừng như không bao giờ có cơ hội thực hiện, nay bắt đầu manh nha trong tiềm thức.

Đối với người dân thành phố, từ nay họ sẽ yên tâm làm ăn, bàn tính tương lai mà không còn sợ bị pháo kích hay khủng bố đặt mìn, liệng lựu đạn, giết chóc phá hoại.

Đối với dân quê, từ nay họ sẽ yên ổn nuôi dưỡng con cháu, cày ruộng, trồng cây, xây nhà, ăn ở ngay trên chính mảnh đất của họ mà không phải ra phố ngủ đêm mỗi tối để tránh ông kẹ về cắt cổ, hay phải bị kẹt giữa hai lằn đạn, hoặc đạp phải mìn mỗi lần ra phố.

Đối với tôi, từ khi nghe tin Hòa đàm Paris thành tựu. Ngày đình chiến sắp tới đã được chính thức thông báo trên khắp toàn quốc. Tôi đã bắt đầu manh nha cuộc sống của mình sau ngày trả súng. Tôi sẽ về tiếp tục sống lại đời sống bụi đời trước đây. Nhưng lần này không phải lê la trên những bến xe đò, ga xe lửa hay vỉa hè thành phố. Qua những tháng ngày chinh chiến, đi qua những rừng núi làng mạc xa xăm, tôi đã thấy sức sống ở những thôn làng trên khắp nẻo đường đất nước. Tôi sẽ đi từ những xóm đánh cá ven biển, cho đến những buôn bản xa xăm tận núi thẳm rừng sâu, để dồn hết những cảnh vật, những miếng ăn quê hương vào đầy tim, đầy óc, đầy bao tử. Tôi sung sướng ấp ủ cho mình một đời sống tự do rày đây mai đó.

Và tôi bắt đầu sợ chết, sợ bị thương. Sợ ghê gớm. Sợ kinh khủng. Sợ đến độ mồ hôi ướt đẫm cả hai bên thái dương mỗi khi nghĩ đến.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày đình chiến, cộng quân bèn tràn về Quận Duy Xuyên, thuộc tỉnh Quảng Nam, với chủ trương dành dân chiếm đất để đặt cọc cho ngày đình chiến sắp tới. Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân đang hành quân bên quận Điện Bàn thì được lịnh sang quận Duy Xuyên để chận đứng bước tiến của cộng quân.

Sau khi Tiểu Đoàn ra tới con lộ thuộc quận Đại Lộc. Đến nơi, đã thấy một đoàn xe chờ sẵn để đưa Tiểu Đoàn đi đến quận Duy Xuyên.

Đoàn xe lăn bánh hướng về vùng hành quân trực chỉ. Khoảng vài giờ đồng hồ sau, đến một nơi hoàn toàn vắng vẻ, đoàn xe dừng lại một bên vệ đường.

Được lịnh, mọi người lục tục xuống xe tập họp hai bên đường chuẩn bị di chuyển. Thỉnh thoảng, một vài chiếc xe lam xe đò chạy qua chạy lại trên con đường vắng lặng không một bóng người. Những người khách trong xe tò mò nhìn những người linh đứng ngồi hai bên đường có vẻ hoang man và thắc mắc. Còn những người lính nhìn họ thầm ước có một cuộc sống an lành sáng đi chiều về như những người hành khách trong xe.

Đó đây, những người lính đang rảo bước tìm nơi tập họp. Có người đứng khòm người lấy súng làm gậy để giảm thiểu sức nặng của ba-lô ở trên lưng. Có người ngồi bệt xuống vệ đường bâng khuâng trông về vùng hành quân trước mắt. Cách con đường cái không xa lắm là những khu vườn cây cối rập rạp, thay phiên nối nhau với những thửa ruộng xanh rì kéo dài liên tục đến cuối tầm mắt.

Đại Đội 1 được lịnh đi chuyển trước. Hôm nay, đến phiên Trung Đội 2 bị trực nên phải đi đầu. Ông Thượng sĩ Cầu, Trung Đội Trưởng Trung Đội 2, ra lịnh kêu tôi đi trước.

Tôi không biết có bao nhiêu người lính thích đi đầu chứ tôi thì không hứng tí ti nào. Thường thường, những chàng đi đầu, không những chỉ bị bắn trước nhứt, mà lại còn bị bắn tơi tả đến rách nát nữa kìa. Nếu lỡ xui mà đi lọt vào chỗ địch quân, nó là cái điểm nhắm cho hàng chục khẩu súng đang lăm lăm chờ lệnh siết cò. Nếu biết thế, hồi đó tôi đổi chơi sang học, thì giờ này làm quan được đi sau cho sống lâu hơn.

Nổi hồi hộp ào về xâm chiếm toàn thân. Sợ thì sợ đấy nhưng tôi cũng phải thi hành nhiệm vụ. Súng trong tay, tôi do dự bước chậm về hướng chỉ định.

Sau khi vào hẳn bên trong khu vườn không lâu, đột nhiên, một tiếng nổ “ầm” khủng khiếp vang lên đằng sau. Giựt mình nhìn về nơi đó, tôi thấy một vùng khói có màu xám đen lẫn lộn lờ mờ bay là đà cao hơn mặt đất khoảng chừng một thước.

Có những tiếng la ơi ới kêu gọi cứu thương. Tiếng người nhắc nhở coi chừng mìn bẩy chuyền đạt dọc theo hàng quân. Mấy đứa chúng tôi vừa đi qua nơi đó mấy phút trước đây nay thở dài hú vía. Người nào cũng nghĩ rằng mình đang đứng ngay trên bãi mìn. Không một ai có can đảm bước đi tự nhiên như mấy phút trước đó.

Chưa vào vùng hành quân mà đã bị mìn. Chưa đánh nhau mà đã có một thằng con bị rách áo. Mọi người có vẻ chồn chân, cẩn thận dò xét từng bước một.

Một lúc sau, người dẩm phải mìn được khiêng ra lại ngoài đường chờ xe cứu thương. Còn Tiểu Đoàn thì tiếp tục đi đến mục tiêu.

Trước mặt tôi, bất cứ cái gì hay nơi nào, trên cành cây, trong bụi rậm, những mô đất v.v… Tất cả đều có thể là nơi việt cộng đang ẩn nấu hay mìn bẫy. Một nhúm lá vương vãi trông không thuận mắt, một mảnh đất tương đối mới mẻ, một cảm giác lạnh người bất chợt, đều là những dấu hiệu báo nguy đang rình rập đâu đây. Thần kinh tôi như căng thẳng. Mắt tôi không ngừng quan sát để kịp thời nhận ra những khả nghi.

Chúng tôi len lỏi qua những khu vườn nhưng tuyệt nhiên không thấy một bóng người chăm sóc. Chúng tôi dọ dẫm qua những dãy giao thông hào kiên cố, tuy đã cũ, nhưng vẫn để vào lòng người mức độ chiến tranh tàn khốc đã xãy ra trước đây.

Đột nhiên, từ xa, có những tiếng người, tiếng động của đồ đạc va chạm, vang vọng tới. Chúng tôi âm thầm dàn ngang bố trí chờ lệnh. Ông Trung Đội Trưởng báo cáo về cho Đại Đội tường trình sự việc. Trả ống liên hợp lại cho người truyền tin, ông hất đầu ra lệnh cho tôi đi lên thám thính.

Tôi than thầm. Sao mà cái số của tôi hôm nay lại đen đủi thế này. Hết đi đầu rồi lại mò lên dọ thám.

Chỉ còn có vài ngày nữa là đình chiến. Chuyện chính chị chính em chia chác quyền lực đất đai đối với thằng lính như tôi không quan trọng lắm. Cái viễn ãnh gần gủi nhất là tôi không còn phải đi đánh nhau. Không còn những đêm thấp thỏm mắt đỏ ghìm súng sẵn sàng bóp cò cho “người anh em phía bên kia”(1) nằm xuống.

Tôi và vài người nữa rón rén tiến về hướng có tiếng động. Xuyên qua lũy tre, thấp thoáng đằng sau những thân chuối là một ngôi nhà tranh có dáng hai người như là đang ngồi làm lụng bên hiên. Họ vừa làm việc, vừa nói chuyện có vẻ lớn tiếng một cách bất thường. Tôi có cảm giác họ muốn nói lớn cho chúng tôi biết rằng có người đang ở nơi đây. Thấy tình thế không có điều gì khả nghi, chúng tôi cẩn thận tiến gần đến họ.

Thấy có người đến gần, cả hai ông bà già cùng ngưng làm việc nhìn về hướng chúng tôi. Qua ánh mắt, tôi thấy họ không có vẻ ngạc nhiên tý nào. Chắc chắn là họ đã biết chúng tôi thể nào cũng đi tới đây. Họ ngồi yên thôi không nói nữa. Họ dửng dưng nhìn những người lính đến gần. Ông cụ thì dừng công việc lại như chờ đợi. Còn bà cụ thì tiếp tục công việc đang bỏ dở. Hình như họ đang cố gắng đóng vai của người bàng quang trong cuộc chiến.

Tôi vừa quan sát chung quanh vừa chậm bước tiến gần họ hỏi:

- Ngoài hai bác ra, ở đây có còn ai nữa không?

Ông cụ nhìn tôi với ánh mắt không mấy thiện cảm trả lời:

- Chỉ có hai ông bà già ở đây thôi.

Như nghĩ rằng tôi vẫn không tin, ông sẵn giọng thách thức:

- Mấy ông không tin thì cứ lục soát đi.

Tôi nhìn vào căn nhà. Ngôi nhà tranh thấp lè tè được lấp đất lấp bùn quanh tường. Bên trong trống trơn, nhỏ hẹp, chỉ vừa đủ cho hai người trú ngụ. Trong nhà chỉ có một ít vật dụng sơ sài và vài cái lu khá lớn đựng nước bên hông.

Tôi lần về hướng những cái lu xem xét thì chỉ thấy toàn nước và tuyệt nhiên không có dấu vết của người thứ ba.

Cảm được thái độ khó chịu của ông già, một thằng bạn tiến gần đến ông già chậm rãi nói:

- Tụi cháu là lính Biệt Động Quân.

Đoạn nó nghiêng vai chỉ vào con số 79 màu trắng trên nền xanh đậm của bảng tên Tiểu Đoàn, gắn trên đầu cọp nhấn mạnh:

- Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân. Tụi cháu hành quân ở vùng này. Chỉ còn vài ngày nữa là đình chiến rồi. Bác nói mấy ảnh tránh ra đừng có đụng độ.

Ông già im lặng không nói. Cái tin đình chiến hình như không làm ông xúc động hay thay đổi sắc diện.

Thấy không còn gì để tìm hiểu thêm, cả hai chúng tôi cùng tìm chỗ giấu mình sau hai thân dừa, quan sát về phía trước, đợi đơn vị đi sau trờ đến.

Qua thái độ không thân thiện và khó hiểu của ông già, tôi không khỏi bâng khuâng, không hiểu ông ta có thể giết mình nếu có cơ hội.

Chiến tranh nơi đây chẳng bao giờ là chiến tranh ý thức hệ. Ngay từ lúc đầu nó chỉ quanh quẩn không ngoài thù hận cá nhân. Nếu có Ông Bà, Cha Mẹ Anh Chị, Em út, Chồng Vợ, Con Cháu, Bà con, Bạn bè mà có ngã xuống, dù là hữu ý hay vô tình, thì mối thù có dịp phát sinh hoặc nẩy nở. Người ta dể dàng kết tội người khác hơn là tìm hiểu nguyên do. Người ta vác súng tỉa nhau chỉ để trả hận. Người ta mừng rỡ khoác lên cái áo chủ nghĩa cộng sản để biện minh cho sự tàn ác quỷ tính của mình. Người ta vênh mặt, hãnh diện làm chuyện giết người, vì có kẻ ở trên bảo họ đó là làm việc lớn.

Những tên điếm chính trị nhân danh chủ nghĩa này chủ nghĩa kia đã thành công trong việc xúi dục lôi kéo những người bàng quang lăn xả vào trong cuộc chiến. Chiến tranh ở đây chẳng phải là cộng sản hay giải phóng gì ráo trọi. Chiến tranh ở đây chỉ là thù nhà, thù cá nhân. Chiến tranh loại này tự nó nuôi dưởng và tăng trưởng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những kẻ giảo hoạt đằng sau giựt dây, xúi trẻ ăn cứt gà, chỉ mong đợi có thế.

Và cũng từ thế hệ này sang thế hệ khác, người lính Việt Nam Cộng Hòa cứ tiếp tục chết để làm tròn bổn phận(2) bảo vệ Miền Nam.

Chúng tôi tiếp tục dò dẫm len lỏi qua những khu vườn tược đã bỏ hoang không một đụng độ. Cuối cùng, chúng tôi đến đầu bìa làng thì không còn chổ để tiến được nữa.

Trước mặt chúng tôi là một cánh đồng rộng lớn cách hẳn với ngôi làng phía trước khoảng 400, 500 trăm thước. Chừng 100 thước trước mặt, giữa đồng, có một gò đất, có phần rộng hơn sân banh bóng rổ, nhô cao bên trên mặt ruộng với cây cối um tùm rậm rạp bao quanh. Xuyên qua những khoảng trống giữa những bụi tre, thấp thoáng bên trong có bóng dáng một ngôi miểu đang ẩn mình trong bóng tối dưới những tàng cây. Kế đó, một bụi tre cao chót vót. Trên đầu một ngọn tre cao nhất, một lá cờ việt cộng to lớn mang màu xanh đỏ đang nấp mình sau thân tre, thập thò bay như thể làm điều gì mờ ám.

Trung Đội 2 được lịnh băng ruộng đi qua ngôi làng bên kia.

Khi trọn tiểu đội tôi lộ mặt di chuyển trên bờ đê, như đã đợi sẵn, một loạt súng đại liên nổ dòn tan, rồi tiếng đạn bay tới vèo vèo bên tai nghe thật khủng khiếp. Cả bọn chúng tôi vội vàng quay ngược trở lại bờ làng phối trí.

Tôi than thầm, thế nào rồi cũng sắp có một màn đánh nhau. Vậy là tiêu tan cái viễn vọng sống còn cho đến ngày hòa bình. Chỉ còn vài ngày nữa thôi mà cũng không được yên thân.

Sau khi báo cáo tình hình về cho Tiểu Đoàn, lại cũng vì bị trực, Trung Đội 2 được lệnh lên lấy lá cờ việt cộng.

Ông Thượng Sĩ Cầu kêu mọi người đến gần rồi hỏi:

- Có đứa nào xâm mình tình nguyện lên lấy hay không? Nếu không có ai thi tao sẽ chỉ định.

Tất cả mọi con mắt đều đổ dồn về tôi mang vẻ khẩn khoản mong tôi lãnh dùm cái búa cho họ. Lãnh cái búa nào còn được chớ cái búa này thì chỉ có nước quy tiên. Tôi than thầm dò xét từng người tìm cách đổ thừa. Kẻ thì mới lập gia đình hoặc đã có con thơ con dại. Người thì đã từng vào sinh ra tử, cận kề với cái chết không biết bao nhiêu lần. Chỉ có tôi là thuộc loại tứ cố vô thân, tìm đỏ con mắt cũng không ra một ai thương nhớ nên được xếp vào loại “chết cũng hổng sao”, thích hợp cho những công tác “đi mút chỉ”.

Thấy không ai tình nguyện, ông Thượng sĩ Cầu nhìn tôi như thầm hỏi. Tôi cố gắng vớt vát:

- Tui đâu có xâm mình. Có mấy thằng nó xâm “Biệt Động Quân - Sát!” đó. Ông nói tụi nó đi đi.

Ông sẵn giọng:

- Trước giờ mày chỉ chơi không. Lần này tới phiên mày. Ai cũng phải vậy.

Biết thân phận mình có tránh cũng không khỏi, tôi tháo chiếc ba-lô ra rồi buồn rầu quan sát địa thế, xem coi có cách nào để tôi có thể đến được mục tiêu ít nguy hiểm nhất.

Từ chổ tôi ra tới nơi đó cũng khoảng trăm thước, cách nhau chừng vài thửa ruộng. Đang xuân, thời tiết lành lạnh, mặt ruộng lấp xấp nước với những nhánh lúa xanh tươi lố nhố trên mặt nước. Muốn tới đó chỉ có hai cách, một là bò, hai là chạy thục mạng. Tôi thấy bò có vẻ an toàn hơn nhưng lại chậm chạp mà rồi không biết đơn vị có chịu án binh lâu vậy hay không. Thôi thì cứ chạy cái đã rồi tới đâu hay tới đó.

Thêm một nỗi lo nữa là tôi không biết có thằng việt cộng nào đang rình rập bên trong cái gò nổi ấy không. Nếu có thì đời tôi coi như chấm hết. Nhưng tôi tự trấn an mình. Nếu có thì nó đã bắn ra từ nãy rồi. Như vậy thì chắc không có ai hết. Mà nếu lỡ nó có bắn ra thì mình chạy ngược trở lại. Hy vọng lết về được tới nơi không bị sứt mẻ. Rồi tôi lại nghĩ, nếu trong đó không có tụi nó, thì thế nào nó cũng gài mìn chung quanh lá cờ, hay chung quanh gò, hay cả hai nơi luôn. Coi bộ số tôi không thọ qua khỏi hôm nay. Càng nghĩ, tôi càng run.

Tuy quyết định chạy, nhưng sau khi gom góp lại hết tất cả những can đảm mà từ nãy giờ tụi nó lẫn trốn khắp nơi trong cơ thể, tôi vẫn không làm sao đứng lên để chạy. Cái đầu tôi thì bảo đứng lên. Đôi chân tôi thi tảng lờ ngồi lỳ. Cái đầu bèn hối lên thúc dục. Đôi chân thì bực mình thách thức cái đầu có ngon thì chạy trước đi.

Trù trì mãi nhưng rồi cũng phải đi. Tôi lạy Chúa cầu Trời khẩn Phật phù hộ cho tôi.

Tôi bắt đầu trườn người qua cái mương rồi luồn xuống bờ ruộng. Nước trộn với sình thấm xuyên qua quần áo lạnh căm căm. Mấy túi đạn đeo trước bụng giờ trở thành những chướng ngại vật. Tôi vất vả giữ người và đạn dược súng ống tránh không đụng nước. Xuống nước rồi, thấy không động tĩnh gì, tôi nhắm vào cái bờ đê gần đó bò tới, với hy vọng dáng người mình có thể hòa nhập vào với bờ đê để tránh bị phát giác.

Đằng sau, tiếng của mấy thằng bạn xúi dại:

- (vt)(3) Đứng dậy chạy đi chớ. Bò như con rùa thì biết chừng nào mới tới.

Mặc kệ cho thiên hạ làm thày ruồi, tôi cứ bò từ từ. Bò hết một bờ đê, đến chỗ hai thửa ruộng nối nhau, tôi phải trườn người lăn qua phía bên kia để tiến về hướng mục tiêu. Khi tôi vừa lăn qua được bên kia thì một loạt đạn bắn ra bay vèo ngang đầu. Hoãng quá, tôi vội vàng nằm im không nhúc nhích. Bên này thấy vậy cũng ồn ào bắn qua yểm trợ cho tôi. Biết bị phát giác, nghĩ mình không thể nằm im để cho tụi nó bắn, tôi bèn bùng dậy, khom người, chạy luôn một mạch bên trên bờ đê.

Bây giờ thì đủ loại thứ súng lớn súng nhỏ, ôi thôi, nổ loạn cào cào. Đạn bay víu vít trên đầu bên hông. Tôi chợt nhớ lại trong những cuốn phim chiến tranh, thấy lính bị bắn chạy qua chạy lại theo kiểu zíc-zắc để tránh đạn, tôi bèn bắt chước làm theo. Mới cho chân xuống được dưới ruộng thì bị lún sâu đến cả ống giầy, khiến tôi phải vùng vẩy nhảy ngược lên lại bờ đê. Đến nước này rồi thì thôi phú cho Trời. Lỡ có chuyện gì thì cũng đành chịu vậy. Tôi nhắm về cái gò nổi rồi dồn hết sức bình sinh phóng tới mặc cho đạn bay kêu réo bên mình.

Đến được bờ gò, tôi lao vội vào sau một lũy tre. Đạn đuổi theo bổ vào thân tre kêu răng rắc như pháo nổ. Những lá tre rơi xuống lả tả từng hồi.

Trước mắt tôi là một ngôi miểu của ông Thành Hoàng đã đóng rêu xanh. Tuy sợ ma muốn chết, nhưng từ nhỏ, tôi lại mê đọc chuyện ma của Người Khăn Trắng. Tôi biết rỏ cái miểu nào là miểu của ông Thành Hoàng. Tôi cũng biết, chổ nào có ông Thành Hoàng là chổ đó có nhiều ma quỹ thuộc loại dữ dằn đóng đô, chuyên môn hiện ra hớp hồn những ai yếu bóng vía. Ngôi miểu khá lớn. Bên trong tối tăm. Qua ánh sáng lờ mờ, bóng lá cây lay động như bóng người, thấy thật rùng rợn. Người tôi nổi đầy gai ốc.

Kế bên hông miểu là một bụi tre. Đây là nơi có lá cờ xanh đỏ của tụi việt cộng đang treo chót vót trên cao.

Tôi không có thì giờ quan sát phía sau. Từ khi lọt vào được nơi đây mà không bị bắn ra, tôi đoán chừng không có ma nào ẩn trốn trong này, mặc dầu tôi thấy bên trong miểu có đủ chỗ cho một vài tên đóng chốt trong đó.

Lúc này tất cả mọi thứ súng đều tập trung vào trong gò nổi. Thấy súng nhỏ như không cầm được chân tôi, tụi nó bèn xử dụng đại liên thượng liên bắn xối xả vào trong gò nổi. Bây giờ, súng nổ ròn tan liên tu bất tận. Đạn kêu réo kinh hồn, bay xuyên bụi tre ghim thẳng vào trong vách miếu làm những mảnh tường bị vỡ tan bay tung tóe trong không gian.

Tôi không có thì giờ nghĩ ngợi lôi thôi hay dò xét mìn bẩy. Tôi cần phải lấy lá cờ ấy xuống cấp tốc. Tôi liều lĩnh phóng mình chạy vội sang bụi tre, nơi có lá cờ. Đến nơi, nhìn rõ bụi tre tôi cơ hồ như muốn xỉu. Cả hàng chục thân tre, loại tre lồ ô, cái nào cái nấy đều cỡ bắp tay bắp chân, đan nhau dày đặc chiếm cả một khoảnh đất lớn. Biết làm sao mà kiếm được cây tre có treo lá cờ mà kéo xuống bây giờ?

Súng vẫn nổ không ngừng. Đạn vẫn bay vèo vèo bên tai rồi ghim vào những cây cối chung quanh, tạo nên những âm thanh lịch bịch nghe đến rợn người. Không còn cách nào hơn, tôi đành phải chấp nhận hiểm nguy, để bình tâm tìm xem cái thân tre nào có treo lá cờ, rồi mới tìm cách hạ nó. Tôi phát họa trong đầu, kiếm được thân tre nào rồi thì chỉ việc bắn vào thân tre đó thì thế nào nó cũng gãy. Lúc ấy, mình chỉ việc kéo nó xuống rồi lột lá cờ ra chạy về. Tôi thấy có mòi thực hiện được.

Chắc ơn trên phù hộ cho tôi, cũng may lúc ấy, bỗng dưng hai bên đều ngưng tiếng súng(4). Tôi phập phòng rướng người nhìn lên trên cao xem thân tre nào có treo lá cờ. Sau một hồi dò xét, tôi lần mò ra được cái thân tre đó. Sau khi biết chắc chắn rồi, tôi bèn đưa nòng súng vào sát thân tre rồi làm nguyên một băng vô đó. Bắn xong, tôi nhoài người lên ôm thân tre kéo xuống, thì Chúa ơi, cả một băng đạn ghim vào thân tre, vậy mà tôi chi có thể kéo cong nó xuống có một chút xíu.

Bổng dưng, súng bắn về nơi hướng tôi ròn tan. Khiếp quá, tôi bèn bắn vội thêm một băng nữa. Không hiểu có phải vì quýnh quáng quá nên bắn trật lất hay cây tre quá chắc, nhưng sau đó tôi cũng chỉ kéo nó xuống được thêm một chút. Cố gắng lắm, tôi cũng chỉ lúc lắc thân tre đong đưa qua lại trên cao.

Môt tiếng nổ long trời xéo bên trên đầu. Một lùm ánh sáng tràn tới. Nhìn lên, tôi thấy một khoảng trống trên không nơi có một thân cây xum xoe che rợp bầu trời trước đó. Còn đang hoang mang, thêm một tiếng nổ long trời xa hơn một tý. Đồng thời có những tiếng la từ phía quân mình.

- Tụi nó bắn B-40.

Thế là hai bên lại có dịp bắn nhau tới tấp.

Nhin quanh, thấy không còn chỗ nào có thể tránh được loại đạn này, tôi bèn lao đại vào trong ngôi miếu, bất kể trong đó có mìn bẩy hoặc ma quỹ hay không. Những trái đạn B-40 vẫn nổ ghê hồn chung quanh. Bao nhiêu cây cối tre trúc quanh gò lần hồi bị chặt đứt. Tôi lâm râm cầu khẩn ông Thành Hoàng cho tôi được bình an vì tôi vô tội. Mấy cái thằng việt cộng bên kia nó bắn ông. Ông có linh thiêng thì qua bên đó bẻ cổ hết cả lũ tụi nó.

Hình như ông Thành Hoàng đồng ý với tôi. Vừa cầu xong thi tụi nó cũng ngưng bắn. Lợi dụng giây phút này, tôi mò ra lại bụi tre, lấy trái lựu đạn M-67, rút chốt an toàn rồi nhét nó kế vào chổ tôi bắn trước đây, xong rồi chuồn vội vào trong ngôi miếu. Một tiếng nổ kinh hồn vang lên. Nhìn ra, tôi thấy thân tre cong quằng xuống. Mừng quá, tôi nhào tới ôm lấy ghì nó xuống. Mặc cho tôi lấy hết sức nặng của mình đu đưa, thân tre vẫn không chịu hạ xuống thêm được nữa. Thấy thế, tôi chạy vội lại gốc tre bắn thêm vài phát vào chổ đã gãy. Lần này, cây tre mới chịu ngã thấp xuống trong tầm tay tôi.

Thấy lá cờ bị hạ, tụi việt cộng có lẽ tức tối nên quyết tâm cho tôi nằm lại tại chổ. Ngoài những loạt súng cá nhân, bọn việt cộng bắt đầu dùng tới súng nặng. Từ hướng địch quân, tiếng súng cối khai hỏa nổ “bum bum” vọng lại. Phía bên mình la lớn:

- Pháo kích. Pháo kích. (vt) Tụi nó pháo kích.

Riêng tôi, không biết có thần thánh nào phù hộ hay không, nhưng sau những giờ phút thập tử nhứt sinh, tưởng mình có thể chết đi bao nhiêu bận mà vẫn còn sống nhăn răng, không chút sứt mẻ, nên tôi nghĩ chắc số mình chưa tới. Tự dưng, tôi đâm ra coi thường, nghĩ súng đạn không làm gì mình được.

Từ xa, thấy lá cờ đã bự rồi. Đến nơi, mới thấy lá cờ còn to lớn hơn nhiều. Mặc cho súng nổ đạn rớt bên mình, tôi lần ra đầu tre, thong thả gỡ từng múi dây cờ. Vừa mở tôi vừa ước, phải chi có cái lưỡi lê thì đở biết mấy. Bộ tụi việt cộng sợ lá cờ bay ra hồi chánh hay sao mà nó cột tới năm vòng bảy nút cho mỗi múi. Tháo xong, tôi cột nó vào trong giây đạn trước bụng. Bụng tôi bây giờ trông như bụng ông Địa múa lân. Tôi mừng húm, coi như công việc sắp xong. Chỉ còn việc vác xác về được tới tuyến của mình thì coi như nhiệm vụ hoàn tất.

Đến ngay bìa gò, tôi nhẩm tính con đường trở lại. Thấy tôi xuất hiện, bên ta la lối hò reo um sùm. Bên kia hùng hổ bóp cò bắn qua loạn xạ.

Không hiểu sao, súng vẫn nổ, đạn vẫn bay, nhưng nó không còn cho tôi cái cảm giác hãi hùng như lúc ban đầu. Không biết có phải tại mình đờ đẫn mệt mỏi nên không còn lý trí, hay sau khi thấy cả ngàn viên đạn lớn nhỏ rủ nhau liên tục bay tới xin mình tý huyết mà không làm mình sứt mẻ chút nào, nên tôi đâm ra cả tin súng đạn không làm gì mình cho được, it ra là lúc này, nên tôi cứ phăng phăng, chân hươu chân sáo, miệng hút gió, chạy tung tăng trên bờ đê về lại tuyến mình.

=<>=

- Vừa chạy vừa huýt sáo? Nhà tôi cười xòa ngắt lời như không tin.

Tôi cười giải thích:

- Nói đùa với em cho hách xì xằng một tý, chớ chạy trối chết thì làm gì ở đó mà huýt sáo.

Tôi tiếp tục:

- Chạy về tới nơi. Quần áo ướt mèm lạnh ngắt. Anh đưa lá cờ cho ông Thượng sĩ Cầu. Rồi có ai đó mang lên đưa cho Tiểu Đoàn. Chừng một lát sau thì có một người mang đến cho anh 1.000 đồng, nói là của ông Đại úy Sinh(5), Tiểu Đoàn Phó gởi tặng.

- Vậy rồi người ta có cho anh huy chương(5) gì không?

- Đâu có! Huy chương là chỉ để tưởng thưởng cho lòng dũng cảm và sự hy sinh của người lính ngoài trận địa. Còn ở đây, đâu phải là trận địa. Đâu có quần thảo gì đâu. Chỉ có tụi nó bắn anh chớ anh đâu có bắn tụi nó. Còn dũng cảm và hy sinh thì anh làm gì có. Hổng lên thì bị bộp tai nên đành phải liều. Có lẽ vậy nên anh nghĩ mình không hội đủ điều kiện. Chứ nếu anh hăm hở tình nguyện ngay từ ban đầu, đi lấy cờ xong, lội qua bên kia làng, quýnh lộn với vài thằng việt cộng bên đó, mang đầu máu bò về, thì chắc được tưởng thưởng huy chương.

Nhà tôi ôm cánh tay tôi vào người siết nhẹ như chia sẻ. Một cảm giác ấm áp tràn ngập vào hồn làm tôi lâng lâng vui sướng. Tôi khẻ vỗ vào bàn tay nàng đôi cái để thay lời cảm ơn. Nàng ngước lên nhìn tôi với ánh mắt trìu mến. Tôi thấy mình chơi vơi trong hạnh phúc. Tôi chợt khám phá ra huy chương của tôi. Huy chương ấy là ánh mắt trìu mến cảm thông của nhà tôi. Một huy chương không nằm trong cấp số của quân đội.

Có được thưởng tấm huy chương thì cũng hãnh diện đấy nhưng mà chẳng biết phải cất giữ ở đâu, chỉ tổ làm cái ba-lô nặng thêm. Có đói sắp chết cũng không sao ăn cái hãnh diện đó được. Còn được thưởng 1.000 đồng thì thực tế hơn. Ít ra cũng mua được vài gói thuốc thơm hay năm bảy tô bún bò, mì Quảng. Nhưng không huy chương hay tài vật nào có thể so sánh được với ánh mắt nàng trao cho tôi ngày hôm nay. Với ánh mắt này mà bảo tôi đi qua bên kia, tóm cả chục thằng việt cộng mang về, có lẽ tôi còn chê ít, chớ chỉ lấy cái lá cờ không thôi thì nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó.

Tôi cảm động nhìn người bạn đời. Nàng rất xinh đẹp, khả ái và thùy mị. Bất cứ ai gặp nàng cũng đều có cảm tình, muốn gần gủi kết thân. Nàng lớn lên trong một gia đình nho giáo mẫu mực. Sống trong tình thương yêu của Cậu Mợ(7). Nàng vốn có lắm chàng thầm yêu trộm nhớ, nhưng nàng lại tảng lờ không ý tơ duyên. Những hào quang như giàu sang, bằng cấp, diện mạo làm cho những người khác bị mê hoặc lôi cuốn, nhưng, như là, không làm nàng một mảy may rung động.

Tôi thì lớn lên bên ngoài gia đình, học đường và xã hội. Trong nhà giòng họ xóm làng kết luận về tôi theo từng giai đoạn như: hoang đàng chi địa, trời đánh thánh đâm, bất tài vô tướng, du thủ du thực, và cộng thêm một mớ tĩnh từ bất hảo khác mà chính tôi nghe qua cũng phải sửng sốt thiệt vậy sao? Vì vậy, tôi luôn cảm tạ ơn trên đã cho tôi cái diểm phúc có nàng bên cạnh. Lắm khi tôi tự hỏi, không biết mình tu bao nhiêu kiếp để kiếp này mới gặp được nàng.

Lần đầu gặp nàng, tôi đã không khỏi ngẫn ngơ trước dung nhan của nàng. Tôi cũng có dịp gặp qua những cô gái xinh đẹp trước đây, tuy nhiên, ngoài vẻ đẹp trời cho, hình như không ai gợi cho tôi một đức tính đặc biệt sâu sắc nào khác về con người của họ. Nhưng với nàng thì khác. Ngoài vẻ đẹp ra, qua ánh mắt, tôi cảm được một cái gì đó thân mật, ấm áp đã cho tôi một cảm giác xao xuyến, rung động. Để ý hơn, tôi nhận ra ấy là nét đôn hậu bao dung toát ra từ trong đôi mắt, trên khuôn mặt của nàng. Bên cạnh nét đôn hậu, cũng là điều mà tôi bị quyến rủ, thu hút là khuôn mặt nàng lúc nào củng rạng lên nét tươi vui. Nàng luôn luôn cười trước khi trò chuyện khiến ai đối diện cũng cảm thấy lạc quan như bị vui lây qua sự vui vẻ của nàng.

Hôm đó, tôi cố nấn ná kéo dài thêm sự gặp gở, vì hiếm khi gặp được một người vừa đẹp mặt lại vừa đẹp lòng. Và đồng thời, khi nhìn quanh, tôi cũng nhận rằng nàng đã ở xa, quá xa tầm tay tôi.

Tuy biết rỏ mình không sao sánh được với những người đẹp. Nhưng nét đôn hậu của nàng cho tôi hình ảnh một người vợ, người mẹ lý tưởng; và nụ cười tươi vui của nàng có khả năng hóa giải những phiền muộn trong cuộc sống; đã thúc đẩy, và cho tôi có thêm cam đảm để làm liều đi đến quyết định: thử thời vận. Như lần mạo hiểm lấy cờ, may mắn lại đến với tôi thêm một lần nữa, cũng lắm phen hồi hộp đứng tim, và cũng hên, không một vết thương lòng.

- Tội nghiệp anh! Vậy mà lúc đó em đang dzung dzăng dzung dzẻ ở Sài Gòn. Biết vậy, em ra ngoài “nớ” thăm anh.

Rồi như sực nhớ một chuyện gì quan trọng, nàng cười hóm hỉnh:

- Em nhớ ra rồi. Hèn gì mà hồi đó em thấy sốt ruột cả ngày mà không biết lý do tại sao.

Biết nàng ghẹo nên tôi cười trừ. Nàng tin rằng chúng tôi gặp nhau là do duyên số. Bởi vì nàng và tôi ở hai thế giới và đời sống hầu như tương phản đến mức độ đối ngược với nhau như hai thái cực.

Tôi biết nàng bán tin bán nghi nhưng đây là chuyện có thật. Vào tháng 10 năm 1974, tôi được cử đi vào Vũng Tàu học bổ túc. Sau khi lấy sự vụ lịnh tại trại Đào Bá Phước, Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân, ở Sài Gòn, tôi và vài người bạn cùng khóa đáp xe đò đi Vũng Tàu. Trên đường ra Vũng Tàu, xe phải đi ngang Thủ Đức. Qua sách báo, tôi được biết ở Thủ Đức có khu làng đại học rất nổi tiếng, nên từ lâu tôi có ý coi xem mặt mũi nó ra làm sao, mà thiên hạ phải tốn khá nhiều chữ nghĩa viết bài ca tụng, như thể ở Việt Nam chỉ có một nơi văn mình sang trọng tiêu biểu. Khi lên xe, tôi có nhắn bác Tài cho tôi biết khu vực đó khi xe chạy ngang qua. Lúc xe đò chạy đến khu làng đại học Thủ Đức, bổng dưng tôi thấy ngực mình nhói đau nhè nhẹ một cách lạ thường. Rồi thời gian qua, tôi không thấy cơn đau như thế trở lại, nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn suy nghĩ về cơn đau dịu dàng lạ lùng ấy. Sau này, khi quen nhau, tôi mới biết gia đình nàng trú ngụ nơi đó.

- Em mà ra thì anh sẽ bị đì mút mùa.

- Sao vậy?

- Em đẹp như “ri” mà ra gặp anh ở ngoài “nớ” thì anh làm sao chịu đời cho thấu với sự ganh tị của mấy ông quan bé bỏng độc thân.

Phụ chú:
  1. Lúc ấy chúng tôi hay gọi đùa những người việt cộng bằng cái danh xưng “người anh em phía bên kia” lịch sự như vậy. Chẳng phải vì mình ngu ngơ gì với kẻ chủ trương giết mình vô cớ, nhưng chẳng qua là vì tư cách con người không cho phép mình dùng những ngôn từ hèn hạ.

    Sau này, có dịp quan sát tư cách, nhân phẩm, đạo đức cũng như con người của họ sau khi cướp được Miền Nam, tôi rút lại chữ “người anh em” vì thấy không thể áp dụng cho họ được, mà chỉ còn chữ “phía bên kia”.

    Đến khi nhìn thấy thái độ im re, ngậm miệng ăn tiền của họ trước những tang thương, tha hóa, dối trá, bất công, cướp bóc, giết chóc, đàn áp, bắt bớ, buôn dân, bán nước v.v... được gây ra do chính cái chế độ độc tài phi dân tộc mà họ đã góp phần tạo dựng, họ đã để lộ bộ óc khuyển mã của họ, tôi thấy phần “nhân” còn lại của chữ “phía bên kia” không còn thích hợp cho họ nữa, nên không còn gọi họ là “phía bên kia”.

  2. Những người lính thường nói với nhau đánh giặc kiểu tự vệ thế này thì 99 phần thua và 1 phần huề. Những chính trị gia Miền Nam chắc hẳn biết rỏ điều đó. Nhưng tôi nhớ như là không một ai đưa ra giải pháp vô hiệu hóa Miền Bắc khi tranh cử. Và tôi cũng không biết là chính quyền Miền Nam có kế hoạch hay là đã và đang thực hiện kế hoạch triệt tiêu Miền Bắc để chấm dứt chết chóc hay không? Có vậy thì mới chứng minh được mình là thành phần lãnh đạo. Đó là sự khác biệt giữa người tham chính và dân ngu khu đen.

  3. Viết tắt của chữ Văng tục – Tùy bạn suy diễn. Hồi đó nghe thì rất vui tai. Bây giờ thấy nó không thích hợp. Viết lên thì thấy ngượng tay. Đưa vào bài, vài chỗ thôi, chỉ có cốt ý nhấn mạnh ý tưởng, hoặc tăng thêm phần sống động.

  4. Sau này tôi được biết. Thấy không có động tĩnh gì bên trong gò nổi, cộng với cái hỏa lực tàn khốc bên kia bắn vào. Cả hai bên đều không nghĩ rằng tôi sống sót nên cả hai bên đều ngưng bắn.

  5. Vào thời điểm này, Thiếu tá Nguyễn văn Đáp làm Tiểu Đoàn Trưởng. Từ cuối năm 1971 cho tới đầu tháng 8 năm 1974, tôi không nhớ có sự thay đổi Tiểu Đoàn Phó nên tôi nghĩ Đại úy Sinh là Tiểu Đoàn Phó lúc này. Nếu không phải, xin vui lòng cho biết và cũng nhận nơi đây lời tạ lỗi.

  6. Tôi không chắc lắm, nhưng trong thời gian này tôi được lên lon Hạ Sĩ. Có thể vì qua vụ lấy cờ này cũng không chừng.

  7. Ngay từ thuở biết xôn xao, tôi cảm nhận hai chữ “nhà tôi” mang lại ấm áp, gắn bó và trang trọng hơn là “bà xã tôi” hay “vợ tôi”. Tôi đem điều này nói với một người bạn. Người bạn bảo rằng muốn dùng chữ “nhà tôi” thì phải lấy vợ người Bắc. Nhưng anh cho rằng tôi không hội đủ điều kiện, vì tôi không những chỉ vô đạo, vô học, vô nghề nghiệp, vô gia cư… mà còn “vô” hằng trăm thứ khác nữa cho nên tôi không thể nào nằm trong tầm tác xạ của các nàng. Thấy tôi như vẫn còn vấn vương với chuyện hoang đường, người bạn khuyên tôi không nên phí thời giờ đi làm chuyện mò kim đáy biển. Tuy nhiên, anh bạn tôi không biết tôi có phép thần thông, có thể rút hết nước biển và thu hồi kim loại.