NguoiLinhGiaXaQueHuong

Rằn ri ơi! Nhớ quá

Nhỏ theo gia đình đi lánh nạn CS vô nhà Dì ở ngay góc đường Cao Thắng và Đống Đa. Xe đến Đà Nẵng lúc 5 giờ chiều, chiếc xe be nhỏ mà chứa hơn 30 người đứng ngồi la liệt. Nhỏ bước xuống xe trong cơn say sóng dật dờ. Dì Nhỏ ôm chầm lấy mấy người với ánh mắt rưng rưng rồi nhanh chân đi qua quán hủ tiếu Mỹ Thuận cạnh nhà mua hủ tiếu. Khoảng nửa tiếng sau hủ tiếu được đưa đến, mọi người sì sụp ăn sau một ngày dài đói bụng.

- Cứ như một giấc mơ khi không cả thành phố bỏ chạy không thương tiếc.

Một người nào đó lên tiếng, mọi người ừ à tán thành rồi phụ nhau dọn dẹp. Có đến bảy gia đình cả hai bên nội ngoaị. Đa số là đàn bà con nít. Mợ Nhỏ đại diện bà con lên tiếng cảm ơn Dượng Hai, Dượng cười xuề xòa, giọng nói sang sảng.

- Không có chi, tụi em giúp bà con được chừng nào hay chừng ấy.

Nhỏ nhìn Dượng kính phục. Dượng là sĩ quan trong binh chủng Biệt động quân một đơn vị có tiếng Tiểu đoàn 79 mũ nâu.

Ngôi nhà đồ đạc, tủ bàn không nhiều, mỗi gia đình thu vén được một góc với vài ba túi xách áo quần. Sắp đặt xong thì bên ngoài trời tối tự lúc nào. Trăng thượng tuần đã lên cao.

Nhỏ lục tục theo mấy Dì ra giếng nước đối diện nhà dưới để tắm rửa. Nhỏ đang loay hoay với sợi dây gàu xoắn tít thì một bàn tay chắc rắn đỡ phụ. Nhỏ ngước mắt nhìn lên bắt gặp một sóng mũi cao thẳng. Nhỏ khựng người, trước mặt Nhỏ một bóng áo rằn ri đang nhìn Nhỏ, không nghe nói chi, chỉ thấy Rằn ri nhanh tay gỡ múi rối rồi luôn tiện múc cho Nhỏ một thùng nước đầy. Mấy thằng nhóc em Nhỏ nhảy ào vô tắm, còn Nhỏ thì luống cuống tìm lối tránh nụ cười nửa miệng của Rằn ri.

Lúc bước vô nhà Nhỏ loáng thoáng nghe giọng Rằn ri nói:

- Cô bé mắc cỡ hí.

Một đêm bình yên trôi qua. Nhỏ thức dậy lúc mọi người còn say nồng giấc ngủ. Nhỏ nhẹ nhàng mở cửa bước ra sân nhà sau.

Bây giờ Nhỏ mới có thời gian nhìn quanh ngôi nhà của Dì. Cái sân dài và rộng được bao bọc với bốn bức tường xi măng cao hơn đầu, những dây kẽm gai chạy quanh nhà. Dưới chân tường là những bao cát ni lông quân đội, có lẽ để làm hầm tránh pháo kích mà ở Huế nhà nào cũng có. Khế đang mùa ra hoa, mấy trái khế non mới nhú. Nhỏ nhớ nhà nhớ bạn bè và niên học chưa chấm dứt mà đột ngột bỏ chạy. Nhỏ nhớ Ba và anh, nhớ những người lính trận còn ở lại đơn vị để giữ phần đất còn lại của miền địa đầu giới tuyến...

Nhỏ lâm râm cầu nguyện cho mọi sự bình yên. Nhỏ quay lưng định vô nhà, Rằn ri đứng ngay sau lưng Nhỏ tự khi nào. Nhỏ lúng túng, cảm giác nóng mặt. Nhỏ ôm cây chổi quét sân như để bảo vệ mình. Rằn ri nhìn Nhỏ lên tiếng:

- Xin lỗi cô bé.

Nhỏ mím môi nhìn Rằn ri không biết nói năng. Rằn ri tiếp lời, giọng Quảng lơ lớ:

- Cô bé mơ mộng hỉ? - Rồi vẫy tay chào nhỏ và trở lên nhà trên.

Đến trưa lúc mợ và mấy bà nội trợ rủ nhau đi chợ thì chị Nhỏ và anh rể đến thăm. Anh rể Nhỏ cũng mới từ chiến trường Quảng Trị về, vẻ hốc hác còn trên khuôn mặt. Phải ba ngày sau Nhỏ mới thấy được mặt tiền của nhà Dì, khoảng sân rộng có mặt tiền khoáng đãng.

Bên góc trái từ cổng nhà nhìn vào là căn hầm chìm xây kiên cố; đặc biệt mặt nổi của hầm được thiết kế như một căn nhà thu nhỏ.

Mấy đứa con trai đang tụ tập trên nóc hầm để chơi cá ngựa. Chị Bê của Nhỏ nói cái hầm đó là do chú Ký vẽ kiểu, vừa nói chị Bê vừa tay chỉ vào một người đàn ông đứng cao trên chiếc thang cặm cụi sơn phết bộ cửa sắt trước nhà những cành mai, lan, cúc, trúc. Thì ra người đó là Rằn ri.

Thằng em Nhỏ đề nghị đi ngược lại đường Cao Thắng, tình cờ Nhỏ gặp lại bạn bè cùng trường cùng lớp. Tụi nó vô Đà Nẵng trước Nhỏ cả mấy ngày đang tạm cư trong trường Kỹ thuật nằm cuối đường Cao Thắng. Cả bọn mừng rỡ tíu tít hỏi thăm nhau rồi cùng đi quanh khuôn viên trường cho biết và gặp thêm được một số người quen. Đa số dân Huế vô đây lánh nạn mà không có nhà hay thân nhân thì tạm cư ở các trường Trung học lớn quanh thành phố. Học sinh Đà Nẵng cũng đành nghỉ học và tham gia công tác Thanh niên thiện chí để chia sẻ những khó khăn với dân lánh nạn. Đó là một nghĩa cử cao đẹp của người dân miền Nam tự do ngày trước.

Đi ra tới bến Bạch Đằng, nước sông vẫn vô tình trôi xuôi nhịp sống, thành phố vẫn sầm uất xe cộ; dường như người dân đã quên đi hết những đau thương đổ vỡ của mùa Hè đỏ lửa vừa qua.

Bê chị đưa Nhỏ mượn quyển truyện Hoàng Ngọc Tuấn, một nhà văn xứ Huế đang ăn khách ở tuổi mới lớn của mấy cô cậu nơi đất Thần kinh. Lúc tụi nhỏ chơi cá ngựa, mấy dì sửa soạn lên nhà coi Tivi thì Nhỏ ngấu nghiến đọc truyện. Nhỏ linh tính có ai đang nhìn mình. Lúc Nhỏ nhìn ra cửa sổ, Nhỏ thấy bóng Rằn ri lướt nhanh đi vô nhà kéo ghế ngồi đối diện Nhỏ rồi tự nhiên bắt chuyện. Rằn ri hỏi Nhỏ trống không:

- Sao không lên coi Tivi?

Nhỏ nghe chân tay cuống quýt, Nhỏ vén tóc che một bên má để giấu nỗi thẹn thùng. Rằn ri gõ tay lên mặt bàn tiếp tục hỏi gặn, Nhỏ mím môi đáp bừa:

- Tại sợ cọp đen quá!

Rằn ri bật cười khanh khách, gật đầu rồi nhìn sâu vào đôi mắt Nhỏ và hỏi tiếp:

- Cô bé tên chi hỉ?

Nhỏ lí nhí trả lời:

- Dạ Nhỏ.

Rằn ri dựa người vào thành ghế rồi ôn tồn nói:

- Nhỏ mà lí lắc quá hí, mà hổng dám nhỏ đâu, tuổi này cũng phải mười bảy bẻ gãy sừng trâu rồi.

Lần này thì Nhỏ tròn xoe mắt nhìn Rằn ri ngạc nhiên vì Rằn ri đoán trúng phóc tuổi của Nhỏ.

Tự dưng cả hai cùng im lặng thật lâu chừng khi Nhỏ nghe tiếng hát nhịp nhàng của Rằn ri cất lên: “Hãy nói giùm tôi, hãy nói giùm... hãy hiểu giùm tôi..."

Nhỏ ngước mắt nhìn Rằn ri và nghe tim mình đánh trật nhịp. Nhỏ giả vờ cúi nhìn trang sách đọc tiếp mà hàng chữ thì như nhảy múa trước mắt Nhỏ. Rằn ri khe khẽ gọi:

- Nhỏ, Nhỏ đang đọc truyện chi rứa kể anh nghe với hỉ?

Môi Nhỏ mấp máy bật lên một tiếng “a” khi nghe Rằn ri đổi xưng hô, rồi Nhỏ lấy sách đưa lên che ngang mặt để Rằn ri đọc tên tựa sách ở trang bìa. Biết Nhỏ mắc cỡ Rằn ri lấy ngón tay ấn đầu sách xuống nhìn dịu dàng vào mắt Nhỏ thật lâu rồi thì thầm:

- Ở một nơi ai cũng quen nhau. Có thật vậy không hở Nhỏ?

Hỏi xong Rằn ri đứng bật dậy vẫy tay chào và chúc Nhỏ ngủ ngon. Rằn ri bước đi để lại cho Nhỏ một nỗi bồi hồi nuối tiếc... lòng nghe lao xao... như mặt hồ bị gợn sóng mà Rằn ri là người đã ném xuống những viên sỏi nhỏ.

Thời tiết càng lúc càng oi nồng, ngột ngạt. Thím Ngà ngồi ở bậc cửa hóng gió lên tiếng than vãn:

- Trời ơi là trời! Đánh đá chi khi không phải bỏ nhà bỏ cửa mà chạy ri trời. Ba thằng Tí ra răng mà không nghe tin tức chi hết...

Vừa lúc Dượng Hai từ nhà trên đi xuống, Dượng lên tiếng đùa:

- Mấy Dì cứ yên tâm ăn ngủ. Xa nhà mới hơn hai tuần mà đã la làng, có làm lính như tụi tôi xa nhà hàng tháng thì có nước khóc ròng hí.

Mọi người cười vui vẻ theo lời nói của Dượng. Nghe lính của Dượng kể Dượng cũng là một con người đa cảm, Dượng đi tới đâu thì có người thương Dượng tới đó, đơn vị của Dượng thời kỳ dưỡng quân đang đóng đâu đó quanh thành phố sau mùa Hè đỏ lửa vừa qua. Nhỏ để ý thấy vài ba ngày Dượng về sinh hoạt với gia đình, thỉnh thoảng lính của Dượng thì từng tốp thay nhau đến nhà Dượng dùng bữa trưa. Dì và con cái trổ tài nấu nướng. Những người lính là những chàng trai tuổi đôi mươi, ca hát cười đùa hồn nhiên; có gần gũi họ mới biết tâm hồn họ cũng trong sáng, giản dị chân thành với quân phục chỉnh tề, cử chỉ nhanh nhẹn, mà chỉ vì màu áo rằn ri với phù hiệu cọp đen khiến bên ngoài xã hội có một số người đã nhìn họ với con mắt e dè. Họ đến và đi ít nhiều gì họ cũng đã để lại trong lòng mọi người những nhớ nhung nuối tiếc...

Lúc mợ Nhỏ đi chợ về Nhỏ đón lấy hoa quả để sắp đặt cho đêm nay cúng rằm, thì ra hôm nay đã là ngày 15, nhanh thật, Nhỏ quên cả ngày tháng. Đêm rằm trăng sáng vằng vặc khiến Nhỏ nghe nhớ nhà, nhớ mấy dây mồng tơi leo quanh hàng rào nhà Nhỏ, những ngọn lá to bản dày và xanh mướt ướt láng ánh trăng khuya. Nhớ cây dừa đầu hiên nhà mà vào dịp Tết Mậu Thân trong một cuộc giao tranh giữa các anh lính Dù và bộ đội Bắc Việt nơi ngã tư ngay góc nhà của Nhỏ ở vùng Tây Lộc, một viên đạn pháo đã khoét sâu ở gốc cây một mảng lớn to bằng chiếc đồng hồ treo tường. Vậy mà cây dừa vẫn ngạo nghễ vươn lên nghiêng mình xuống bờ ao trong những đêm trăng sáng.

Đang ngồi nghĩ vớ vẩn thì Nhỏ thấy bóng Rằn ri xuất hiện gọi nhỏ qua cửa sổ:

- Nhỏ ơi, có ai hỏi Nhỏ ngoài cổng trước.

Nhỏ vòng qua cái giếng theo lối đi hẹp bên hông nhà trên để đi ra cổng. Đi chưa hết lối, Nhỏ thấy Rằn ri từ xa tiến lại rồi dang tay chận đường. Nhỏ đứng lặng người, bóng Rằn ri cao và gầy lặng lẽ đặt vào tay Nhỏ một gói quà. Nhỏ thì đứng yên bất động nghe giọng Rằn ri lùng bùng bên tai:

- Không ai hỏi Nhỏ hết, anh là người hỏi Nhỏ. Nhớ ngậm những viên này để nhớ anh.

Tay Rằn ri xoắn chặt tay của Nhỏ. Nhỏ nghe không gian như lắng đọng, thời gian như ngừng trôi. Dịu dàng Nhỏ ngước mắt nhìn Rằn ri lí nhí nói cảm ơn rồi hỏi Rằn ri với hơi thở dồn dập:

- Tối nay răng anh không về nhà?

Rằn ri ghé sát tai Nhỏ thì thào:

- Vì anh sợ nhớ Nhỏ.

Nói xong Rằn ri xoay người bước nhanh. Nhỏ nhìn theo ngẩn ngơ rồi quay lưng đi trở vô nhà mà nghe hồn sóng sánh.

Đợi cho nén hương thật tàn Nhỏ đem hoa quả vô nhà bếp cất và nhẹ nhàng mở quà của Rằn ri ra xem. Một gói ô mai, nắm chặt trong tay như sợ ai nhìn thấy Nhỏ gọi thầm: “Rằn ri ơi, ghét quá!

Tiếng Bê chị ríu rít gọi Nhỏ lên nhà trên ngồi chơi. Nhỏ nghe một giọng hát trầm ấm vang lên: “Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối. Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu, một đêm thiết tha rồi ta xa cách...”

Nhỏ đứng lặng người. Dưới bóng trăng xanh, Rằn ri ôm đàn hát say sưa bản “Trăng mờ bên suối” như đang gởi gắm tâm sự về đâu... Nhỏ kín đáo đưa mắt nhìn Rằn ri đang hát. Trong giấc mơ Nhỏ thấy bóng Rằn ri với nhiều mộng mị êm đềm với một mùa Hè hạnh phúc. Rằn ri ơi, có phải Nhỏ đã yêu? Khi những sáng Rằn ri đến trễ là lòng Nhỏ mong ngóng, những lúc Rằn ri sửa soạn ra về là Nhỏ đến ngồi bên song cửa để chờ đợi cái nheo mắt của Rằn ri gởi tới Nhỏ.

Những tờ giấy mỏng rơi dần khỏi cuốn lịch. Mới đó mà Nhỏ ở Đà Nẵng đã năm tuần. Mọi người tính chuyện trở về Huế, dân chúng cũng lần lượt hồi cư. Mặc dù biết trước điều đó sẽ xảy ra nhưng lòng Nhỏ bỗng nghe chùng xuống khi mợ Nhỏ quyết định hai ngày nữa trở về. Hồn Nhỏ thẫn thờ, lòng băn khoăn suy nghĩ có nên nói lời chia tay với Rằn ri. Ngày vui thì qua mau mà hạnh phúc bên nhau thì quá ngắn ngủi; còn Rằn ri thì dường như không biết ngày chia tay đã đến. Thôi thì nhỏ đành im lặng giấu kín tâm tư... Thấy Rằn ri đem chiếc bàn học ra sân sau phơi nắng, lựa lúc Rằn ri đi ăn cơm, Nhỏ kiếm cây tăm nhỏ viết vội một chữ “Buồn” lên mặt bàn còn ướt nước sơn.

Buổi chiều mây đen vần vũ kéo tới, trời như muốn đổ cơn mưa. Nhỏ thấy Rằn ri khiêng bàn vào cất và hỏi mợ của Nhỏ:

- Nhỏ nào chơi nghịch viết một chữ “buồn” lên mặt bàn. Chữ đẹp như rồng bay phượng múa rứa mợ hỉ ?

Nhỏ nép mình vào vách tường nhà, nghe giận hờn vu vơ thầm trách Rằn ri sao vô tình quá không hay rằng ngày mai là ngày Nhỏ đã xa Rằn ri. Hay là Rằn ri đã quá quen thuộc với những cảnh sinh tử biệt ly....

Mọi người thức dậy khi trời còn mờ tối, ai cũng nôn nao trở về, lục đục khiêng đồ ra sân trước chờ xe đến. Bác tài kêu mọi người lên xe ngồi yên vị trí, mặt mày ai cũng hớn hở vui tươi không còn vẻ hoảng hốt như ngày bỏ Huế mà đi. Riêng Nhỏ thì lòng dạ bồn chồn, xe sắp chạy mà bóng dáng Rằn ri chưa thấy đến. Nhỏ chọn chỗ ngồi sát ô cửa để mong thấy Rằn ri lần cuối trước khi ra về. Ngoài đường xe cộ ngược xuôi tấp nập, có rất nhiều bóng dáng mũ nâu đi trên đường, Nhỏ đoán họ đang đi đến đơn vị, mà chừng như Đà Nẵng là lãnh địa của lính cọp đen. Vẫn chưa thấy bóng Rằn ri. Nhỏ nghe lòng hồi hộp đợi chờ rồi Nhỏ lẩn thẩn trách mình là hôm qua không mạnh dạn giã từ Rằn ri để hôm nay được nhẹ lòng...

Bác tài đập tay vào cửa xe nhắc nhở mọi người giữ trật tự rồi cho xe nổ máy. Xe lăn bánh, Nhỏ thấy trời đất như tối lại. Lúc xe chạy đến ngã ba Cao Thắng và Đống Đa bắt đầu quẹo phải, Nhỏ chợt thấy bóng Rằn ri lái xe Honda ở phía bên kia đường đang chạy về phía nhà Dì rồi khuất dần. Nhỏ nhắm mắt gọi thầm: “Rằn ri ơi, ghét quá!”

Trở về Huế là trở lại với trường lớp, học hành thi cử. Lòng Nhỏ nhớ Rằn ri khôn nguôi, mối sầu tương tư Nhỏ ôm kín trong lòng bỗng trở nên quay quắt khi nghe tin tức chiến sự hằng ngày trên radio. Mặt trận Thường Đức bùng nổ với sự tham dự của Tiểu đoàn 79 Biệt động quân. Tim Nhỏ nhói đau khi nghe tin chiến trường ngày càng sôi động: “Rằn ri ơi, biết anh có còn không trong trận chiến khốc liệt ấy?”. Lòng Nhỏ chơi vơi theo ngày tháng... Rồi miền Nam tan tác, chia ly.

Một cơn sóng lớn từ phía Bắc kéo đến đã cuốn trôi tất cả, bao nhiêu nhân mạng, bao nhiêu giá trị tinh thần đẹp đẽ của miền Nam tự do đã bị xóa nhòa trong cơn đại hồng thủy. Chiến tranh Quốc Cộng đã làm cho quê hương Nhỏ rơi vào vòng chinh chiến điêu linh. Bom đạn đã cày nát quê hương Nhỏ. Biết bao thế hệ thanh niên đã gục ngã để bảo vệ mảnh đất miền Nam tự do. Có những địa danh với những tên tuổi thật đẹp: Đông Hà, Quảng Trị, Hiệp Khánh, Tam Giang, Thường Đức, Tịnh Giang, Tam Quan, Bồng Sơn, Lệ Minh, Kon Tum, Bình Long, An Lộc, Thiện Ngôn, Khiêm Hạnh... mà Nhỏ vẫn hằng tha thiết nhớ. Nhớ những chàng trai áo trận bạc màu đã hy sinh tuổi xuân để gìn giữ tự do cho Quê hương, Tổ quốc... Nhỏ cầu nguyện cho linh hồn các Anh được siêu thoát...

Và Nhỏ, dù đã mấy chục năm qua mà vẫn nhớ hoài mùa Hè đỏ lửa 1972 với cái tuổi 17 của Nhỏ có bóng dáng Rằn ri, người đã cho Nhỏ những rung động đầu đời của tuổi mới lớn, người lính rằn ri mà tâm hồn rất đỗi thơ mộng.

“Ơi, Rằn ri ơi, nhớ quá!”

Anh có còn hay đã mất, người lính trẻ Việt Nam Cộng Hòa dấu ái.