NguoiLinhGiaXaQueHuong

Hậu Cứ: Thường Đức

(Tiếp theo “Chuyển Quân ”)

Từng chiếc trực thăng tuần tự đáp xuống. Cánh quạt trực thăng quay vùn vụt tạo nên những cơn lốc xoáy mạnh chung quanh chiếc trực thăng. Bụi cát và rác rưới gần đấy bị hút bổng lên không, quay cuộn thành vòng, bay loạn trong gió cuốn, rồi từng lớp, từng lớp, đảo mạnh xuống, quét ào ngang, quất thẳng vào những người lính đang đứng ngồi chờ đợi. Tiếng động cơ trực thăng nổ lớn và có phần dồn dập hơn chực muốn bay lên như thúc hối đoàn quân lẹ bước lên đường. Cứ mỗi chiếc trực thăng vừa chạm đất thì có một toán lính đã chờ sẵn, người nào cũng cúi đầu, tay giữ nón, lom khom chạy lẹ ra, leo vội lên máy bay. Ở hai bên hông mép trực thăng, mỗi bên có 3 người lính Biệt Động ngồi đưa chân đong đu ra ngoài. Số còn lại, ngồi chen chúc bên trong lòng thân máy bay.

Sau khi đoàn trực thăng đã bốc xong đợt đầu tiên, toán tôi được lịnh di chuyển đến vị trí chờ sẵn cho đợt bốc quân kế tiếp. Tôi hồi hộp đi đến chỗ đợi.

=<>=

Cảnh máy bay ồn ào lên xuống khơi động tính tò mò của mọi người, nhất là dân ở thành phố, chẳng mấy khi họ có dịp chứng kiến cảnh lính trận chuyển quân bằng trực thăng. Có một số thầy cô đã bỏ lớp ra ngoài xem coi máy bay lên xuống. Không mấy chốc, trên những hành lang bên ngoài lớp học đã lúc nhúc đông đảo những học sinh.

Đến nơi, thả chiếc ba-lô xuống đất, không biết làm gì hơn, tôi tò mò nhìn lên những lớp học. Tôi chợt thấy nàng hiện ra. Nàng đẹp tuyệt trần, đẹp ơi là đẹp. Tim tôi háo hức đập dồn dập có nhịp có điệu như trống múa lân. Người đời cứ cho rằng Tiên đẹp ghê gớm lắm nhưng tôi chưa nghe ai nói đã có diểm phúc gặp gỡ được Tiên. Riêng Tiên của tôi thì tôi chỉ thường gặp được trong mơ. Sáng ra ngủ dậy, thấy Tiên giống na ná như những cô nàng mới gặp hôm qua. Vì chưa gặp Tiên bằng xương bằng thịt bao giờ, nên tôi không biết Tiên đẹp não nùng như thế nào. Nếu có, tôi nghĩ, Tiên mà đẹp được như nàng là Tiên may mắn lắm.

Tôi chưa thấy ai có một nét đẹp thanh tao huyền hoặc như nàng. Nàng sáng lên rực rỡ trong bộ đồng phục với chiếc áo dài nữ sinh màu trắng mượt bóng bẩy như ngọc trai. Trông nàng cao sa, thánh thoát, kiều diễm như một thiên thần. Chung quanh nàng như tỏa ra một vùng hơi sương óng ánh che mờ những cô cậu nam sinh nữ sinh gần đó. Vương miện nàng là chiếc bê-rê màu nâu. Hào quang phát ra từ chiếc mũ nâu làm một vòng tròn quanh đầu nàng lung linh sáng. Khoác trên vai nàng, trông tựa như thiên kiếm là khẩu M-72 được đeo dọc theo một bên vai. Hai tay nàng ôm cây M-16, xéo trước ngực, trong tư thế thao diễn. Nàng đứng đó, bất động, nhìn về hướng tôi. Trông nàng một mực uy nghi, lẫm liệt nhưng không kém phần diễm lệ.

Bất chợt, nàng nhoẻn miệng cười, thầm thì trò chuyện cùng những bạn học kế bên. Qua nụ cười, bỗng dưng, tôi thấy nàng hơi quen quen. Sau một hồi kiểm kê trí nhớ, tôi nhận ra nàng là cô gái tôi đã gặp trong một khu phố ở bên Hoà Cường trước đây.

Số là, một bữa nọ, thằng Bình ở bên Đại đội 2 cùng với một vài người bạn qua rủ tôi đi “tuyên truyền chiêu hồi” bên phố Hòa Cường. Thấy tôi có vẻ ngơ ngác, nó cười giải thích:

- Đi dẹp nhảy đầm đó mà.

À, thì ra thế. Qua kinh nghiệm lần trước, tôi nhắc nhở nó:

- Bộ lần trước bị dủa thê thảm chưa ngán sao mà lần này còn đi phá nữa?

Nó cười đáp lại:

- (vt) Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó.

Vài hàng về nhân vật tên Bình này. Nó có một khuôn mặt khá bô trai, cao ráo, luôn miệng cười, ít nói, sành điệu và tốt với bạn bè. Nghe kể rằng trước khi tình nguyện vào Biệt Động, nó từng là du đãng thuộc loại có máu mặt ở Cao Đồng Hưng, Sài Gòn. Nhờ có khiếu và thường xuyên la cà ở mấy cái phòng trà nên nó nhảy đầm rất điệu nghệ và có tiếng là "Vua făn-ta-zi". Với cái vốn liếng făn-ta-zi đó, không mấy chốc, nó được giới nhảy đầm ở Đà Nẵng biết đến và săn đón để được nó chỉ giáo. Cho đến một ngày, nhà của một ông Nghị Hội Đồng Tỉnh tổ chức nhảy đầm và nó được mời đến dự. Sau những bước făn-ta-zi lả lướt trước những anh mắt trầm trồ của bá quan văn võ thì đến màn nó hướng dẫn thiên hạ những chiêu thức múa ngoáy ngoạn mục. Đột nhiên, nửa chừng nó ngưng lại rồi lên giọng dạy dỗ thiên hạ: Nào là, có biết bao người cùng trang lứa với họ, hay thân nhân bà con của họ, ngay giờ này, đang ngã xuống ngoài mặt trận, hoặc đang bị thương, rên xiết lăn lộn, máu me bê bết, hay đang quýnh nhau với tụi việt cộng để cho họ được an toàn vui chơi ở hậu phương; Nào là, đất nước đang trong hoàn cảnh chiến tranh mọi người cần phải ủng hộ, chia sẻ, kể cả mặt tinh thần; Nào là, nhảy đầm là một hình thức vui chơi giải trí nhưng không thích hợp với hoàn cảnh hiện tại; Nào là, hành động ôm nhau xà nẹo như thế này là một thái độ tiêu cực, một hình thức đâm sau lưng chiến sĩ. v.v... và v.v... Phán xong, nó tỉnh bơ ra về trước những ánh mắt ngỡ ngàng lẫn bất bình của những người hiện diện hôm đó.

Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa, tiếng phá đám dọt lẹ hơn honda. Chẳng biết ai mách bảo ra sao, mà ngày hôm sau, cái tin nó phá đám lọt đến tai ông đơn vị trưởng, thế là nó bị ổng kêu lên xài xể cho một mạch về cái tội phá bỉnh cuộc vui của người khác.

Trước khi vào lính, tôi cũng bị ảnh hưởng của giới thời thượng thu hút nên cũng tập tành nhảy nhót cho mình có được cái "mat" văn minh, ăn chơi với thiên hạ. Sau khi thành lính, tự dưng tôi lại dị ứng với chuyện nhảy đầm. Chân cẳng đi đứng bây giờ trở nên cứng cáp hiên ngang chứ không còn mềm mại yểu điệu như xưa. Nếu là thời bình, dắt díu nhau lê theo tiếng nhạc, ông lôi qua bà kéo lại, chàng lên đầu gối, nàng giựt cùi chỏ, thụi nhau túi bụi, tôi thấy đó cũng là một hình thức giải trí thể dục thẩm mỹ. Thế mà sao cái vụ ôm nhau xà nẹo trong khi tiếng bom tiếng pháo vọng về bên tai thì tôi lại thấy nó có cái gì không ổn. Như người xưa đã nói: "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh", chứ có ai nói "Giặc đến nhà, chúng ta khiêu vũ" bao giờ. Tuy nhiên, các cụ cũng chẳng nói "Giặc đến nhà, không ai được nhảy", như vậy thì nhảy nhót đâu có gì đáng trách. Cái kẹt là, trong lúc "đàn bà cũng đánh" mà "chúng ta khiêu vũ" thì thấy có vẻ thờ ơ với thời cuộc. Vì vậy, nếu nhắc nhở ai đó chớ nên thờ ơ thì đó là một việc làm cần được khích lệ.

Tuy đồng tình với thằng Bình, nhưng tôi cũng ớn cái máu giang hồ ngày xưa của nó nổi dậy nên hỏi cho kỹ càng:

- Như lần trước, phải không?

- Thì cũng như lần trước vậy!

- Có nghĩa là, mày vô đó làm một màn biểu diển để thiên hạ chú ý. Đến lúc thuận tiện thì mày lên giọng "thuyết pháp". Tụi tao thì đứng vòng ngoài yểm trợ cho mày. Mày giảng xong, tụi mình đi ra. Không gây lộn, không lời qua tiếng lại, kể cả khi họ chửi bới sau lưng?

Nó đồng ý. Thế là tôi đi theo tụi nó qua bên Hoà Cường. Đến nơi thì mới hay rằng buổi nhảy đầm đã được tổ chức ở một nơi khác. Thấy “mục tiêu” không còn nữa, cả bọn đứng lớ ngớ bên ngoài. Lạ cảnh, tôi đưa mắt bâng quơ nhìn ngó chung quanh. Trong khung cửa ở bên ngôi nhà đối diện, có một người con gái vừa bước ra đứng nhìn về phía chúng tôi. Dưới ánh sáng của ngọn đèn nê-ông, không chỉ riêng tôi, mà cả đám đực rựa hôm đó đều đờ đẫn ngẩn ngơ trước sự xuất hiện của nàng. Với chiếc băng-đô màu hồng đậm trên mái tóc thề, nàng hiện ra như một nàng tiên vừa giáng thế. Như thấy chúng tôi như một lũ ngố đứng há hốc thẫn thờ, nàng nhoẻn miệng cười như thông cảm cho sự ngô nghê của đám mày râu.

Hôm nay, nàng cũng cài chiếc băng-đô màu hồng đậm trên mái tóc. Tóc nàng được vén sang một bên vai rồi thả xuống phía trước trông rất quyến rũ. Một tay nàng đặt tựa trên lan-can, tay kia đưa cao như vân vê mái tóc. Như mấy cô cậu học sinh khác, nàng đang chăm chú xem coi sinh hoạt của đoàn quân.

Đợi khi nàng quay xuống về hướng mình, tôi vụt đứng vội lên để hy vọng nàng nhận ra tôi. Nàng dừng lại hơi lâu nhưng tôi không chắc nàng có nhận ra tôi không? Tôi muốn đưa tay vẫy nhưng lại ngại làm trò cười cho mấy thằng xung quanh. Tôi đành đứng tại chỗ vời trông, lạy Trời cho nàng ngó xuống nhận ra tôi.

Thấy tôi chăm chú nhìn nàng, thằng bạn bên cạnh bắt lấy cơ hội chọc quê tôi:

- Đẹp thiệt đó mày. Bồ mày nữa đó hả?

- Ờ.

- Mày dóc bỏ mẹ. Bồ, mà sao nó như không thèm nhìn mày?

- Dóc hồi nào. Mày nói nó là bồ của tao, chớ tao có nói tao là bồ của nó bao giờ.

Trong khi ấy, nàng vẫn tiếp tục líu lo với những bạn học bên cạnh. Có lẽ nàng không nhận hay không muốn nhận ra tôi. Tôi thấy nàng có vẻ theo dõi một ông quan ở Đại đội 3, đang tỉ tê với cái ống liên hợp rất là ướt át.

=<>=

Đoàn trực thăng đổ xong đợt lính đầu tiên trở lại đón chúng tôi. Đến phiên toán tôi, thay vì chạy cho lẹ để dành chỗ bên trong máy bay, không hiểu tại sao, tôi cũng chạy lẹ, nhưng lẹ để giành chỗ ngồi ngay bên cái mép trực thăng, đối diện với nàng, để nàng có thể dể dàng nhận ra tôi hơn. Và cũng để cho nàng nhìn thấy cái hình ảnh thiêng liêng hùng tráng của "lính Biệt Động" trên đường ra sa trường.

Sau khi an tọa đâu vào đó, tôi ngước lên tìm nàng. Trước mắt tôi bây giờ chỉ là một màng bụi. Gió từ cánh quạt trực thăng ào ra, thổi tung bụi cát rác rưới tung bay rối loạn trong không gian. Tôi không còn thấy ai trên những dãy hành lang. Hình như mọi người đã quay vào trong tránh bụi.

Tiếng máy bay trực thăng gầm lớn hơn. Thân máy bay chuyển động lắc lư vài cái rồi vụt cất lên cao. Mặt đất như hụt xuống đến độ chóng mặt. Tôi có cảm giác như mình gần như sắp bị hút lọt ra ngoài. Tôi muốn thụt vội vào trong cho an toàn nhưng không còn kịp nữa.

Đoàn trực thăng, theo con sông Hàn, tăng tốc độ, bay cao dần. Gió thổi phần phật, mổi lúc một mạnh hơn. Mấy cặp chân của 3 thằng chúng tôi đang ngồi đong đưa bên ngoài bị gió lùa đẩy mạnh tạt về phía sau. Khiếp quá, tôi lật đật rút vội đôi chân lên nhưng không sao cưỡng lại được với sức gió. Tôi có cảm giác như là tôi đang bị một sức hút vô hình kéo tôi dần ra khỏi thân máy bay. Hoảng hồn, tôi bấu đại vào cái sườn của thân trực thăng gần đó. Đôi chân tôi vẫn cứ bị đẩy lùi từng hồi về đằng sau. Tôi gồng người cố gắng giữ mình không để bị hút cuốn ra ngoài. Tôi có cảm giác rằng, nếu mà không có cái ba-lô nặng trịch đeo sau lưng giữ lại, thì chắc tôi, có lẽ, đã "cuốn theo chiều gió" hoặc đã áp dụng bài "tuột núi" không dây.

Hồi hộp quá, tôi bực mình cho cái tính bốc đồng dại dột của mình. Lấy le làm gì mà để giờ này sống giở chết giở. Phải chi cô nàng có để ý đến mình đi cho cam. Đằng này, tướng đứng ở đây mà nàng không biết. Nàng chỉ thấy được tới những ông quan qua lại tới lui. Tôi tự an ủi mình, thế cũng đỡ cho tôi, bớt đi được một người khỏi phải nhớ nhung lôi thôi vớ vẩn.

Trực thăng như đã lên đủ cao độ. Hoặc là, có thể sức đẩy của gió dường như có phần giảm lại? Hay là, tôi đã quen với sự chịu đựng? Dần dà, tôi cảm thấy tự tin hơn khi biết mình có thể điều khiển đôi chân xê dịch qua lại không mấy khó khăn nữa. Tôi bớt dần cảm giác khó chịu với cái thế ngồi của mình. Tôi bắt đầu cảm thấy thoải mái và bình tâm ngắm nhìn quê hương bên dưới. Những nhánh sông, những khu nhà, những con đường dập dìu xe cộ ngược xuôi, tất cả trông thật an bình, linh động.

Bên những chiếc trực thăng kế cận, những thằng bạn trong quân phục rằn-ri, tay ghìm súng, ung dung ngồi thả rong đôi chân đong đưa trong gió. Trông tụi nó còn thản nhiên hơn những "anh hùng hiên ngang đi ra sa trường" trong một bài hát nào đó. Tôi bỗng nghĩ, giá mà rinh được ông Kinh Kha hay cả chục ông về đây, rồi bắt mấy ổng đi chung trực thăng với lính Biệt Động, chắc mấy ổng phải xanh mặt khóc ré lên. Tôi buồn cười khi nghĩ đến cảnh mấy ông Kinh Kha mặt mày xanh lè ôm nhau khóc sướt mướt. Và đồng thời, tôi thấy lòng rạt rào với niềm tự hào của đời khinh binh Biệt Động.

Thành phố Đà Nẵng, ở bên dưới, co lại dần và lùi lại đằng sau nhường chỗ cho những làng mạc nối nhau bên những con lộ. Xa xa, nhà cửa dần dà thưa thớt và cuối cùng gom lại như những ốc đảo nằm rải rác trên những cánh đồng lỗ chổ những hố bom. Xa hơn nữa là dãy trường sơn, giờ hiện rõ, những rặng núi nối nhau chạy dài liên tục đến tận chân trời.

Một người nào đó như nhận ra địa thế bên dưới mừng rỡ la lớn cho mọi người cùng biết:

- Hê! Mình đi về Thường Đức.

- (vt) Chắc không?

- Chắc. Bộ mày không thấy Đại Lộc dưới kia sao?

Cái thằng ngố rừng giống như tôi, chưa bao giờ đặt chân lên Đại Lộc, gân cổ:

- (vt) tao mà biết Đại Lộc thì hỏi mày làm cái quái gì.

Chúng tôi đang đinh ninh là sẽ đi Quế Sơn. Tôi đang hồi hộp nghĩ tới cảnh tượng quýnh nhau sắp đến. Tôi không biết chút nữa đây, trực thăng sẽ thả chúng tôi xuống ngay vùng giao tranh, hay đáp ở một chỗ an toàn nào đó rồi di chuyển tới? Nay nghe có người nói đi về Thường Đức với một giọng có vẻ chắc nịch, tôi thấy người mình nhẹ nhõm, bao nhiêu lo âu chợt tan biến giống y như khi người đẹp gác bỏ ý định dẩn độ mình về trình diện ông bô bà bô.

Không bao lâu, đoàn trực thăng từ từ hạ dần xuống. Quận Thường Đức rõ dần trong ánh mắt chúng tôi.

Trên sông Vu Gia, đây đó những chiếc thuyền con đang giăng câu. Trên bờ, ngôi làng Hà Tân đượm một màu xanh mướt bởi những hàng dừa rặng tre vươn cao bao phủ bên trên đan nhau chạy dài từ đầu thôn đến cuối xóm. Nơi cuối làng, dọc theo bờ con sông Côn, những chiếc ghe nằm rải rác bên nhau nối dài đến tận chân cầu. Tỏa ra từ đầu cầu là những con đường, uốn cong dẫn vào bên trong ngôi làng. Trên những con đường làng, người người dập dìu đi lại. Cách chiếc cầu không xa, cây thánh giá màu trắng, vươn cao từ ngôi giáo đường bên dưới, nổi bật lên trên màu xanh đậm của những hàng dừa. Cạnh bên hông nhà thờ, trước quán nước, những đứa bé ngừng chơi, nhảy tưng tưng như hý hửng, đưa tay vẫy.

Đây sẽ là một bức tranh miền quê thanh bình hoàn hảo nếu đừng có những dấu vết của hố bom lổ đạn lổ chổ trên những triền núi ruộng rẫy chung quanh. Biết làm sao đây, để xóa tan những vết sẹo trên quê hương tôi?

Có tiếng vang lên:

- Hậu cứ dưới kia kìa.

Mấy thằng chúng tôi cùng đưa mắt nhìn theo hướng chỉ tay. Trên đỉnh đồi, ngay đầu làng, là những vòng công sự phòng thủ được bao bọc bên ngoài bằng những lớp hàng rào kẽm gai. Không như ngôi làng Hà Tân bên dưới với cây lá um tùm xanh mát, hậu cứ mang một màu vàng úa khô khan của sỏi đá với những hầm hố và giao thông hào luồn lõi khắp nơi.

=<>=

Càng trực thăng vừa chạm đất, chúng tôi vội vàng nhảy xuống, cúi đầu, chạy lẹ đến điểm tập trung. Thay vì đi về phía Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn như một một số lính đến trước, chúng tôi được lệnh đi qua bên phía ngọn đồi kế cận tập họp. Đến nơi, tôi mới biết toàn thể ngọn đồi là nơi đóng quân của Đại đội 1.

Chỉ riêng mấy chàng quê ở Thường Đức, anh nào anh nấy mặt mày cũng hý hửng cười toe tươi rói. Còn chúng tôi, những thằng không có một ai thân thích ở đây, tuy không tròn xoe đôi mắt, cười toét quai hàm, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy lâng lâng trong niềm hân hoan của tụi nó. Như cảm được nổi lạc lõng của chúng tôi, một thằng cùng trung đội có nhà ở Thường Đức an ủi:

- Để vài ngày nữa đâu vào đó, tụi mày xuống nhà tao chơi. Tao sẽ đãi tụi mày một chầu.

Nghe được mời ăn, cả đám nhao lên:

- Đãi cái gì?

- Thịt heo cuốn bánh tráng. Món đặc biệt số dzách của Thường Đức.

Nói tới ăn nhậu, không khí bỗng dưng nhộn nhịp hẳn lên. Kẻ bàn qua, người nói lại ồn ào. Hình như ai cũng quên hẳn cái bỡ ngỡ lạc lõng mấy phút trước đó.

Trong khi chờ đợi đầy đủ quân số để tập họp. Chúng tôi tụm năm tụm ba tản mát quanh sân đại đội. Nhìn quanh ngọn đồi, tôi không thấy một cái nhà hay một cái doanh trại nào cả. Ngoại trừ cái văn phòng Đại đội là một căn nhà tôn nằm chơ vơ giữa đồi, và một cái chòi không vách gần đó là nằm trên mặt đất, còn lại tất cả đều là những lô-cốt, nửa chìm nửa nổi, nằm rải rác chung quanh ngọn đồi.

Đang từ một nơi thị tứ nhộn nhịp nhà cửa san sát cây lá xanh mát, nay về đóng đô ở trên một cái đồi trọc lóc, không một nóc nhà, không một bóng nữ nhi. Nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn là sỏi với đá. Chung quanh đồi lổm chổm với mấy cái nấp hầm nứt nẻ loang lổ nhô lên từ mặt đất như những nấm mồ vô chủ hoang phế nằm lây lất trong bãi tha ma. Đang từ một nghĩa địa ở Đà Nẵng về đây, một thằng không dằn được nổi chán chường, buồn bã biểu lộ:

- (vt) Hậu cứ gì mà sao giống cái nghĩa địa quá dị!

Vài cái miệng nhăn răng cười mếu máo như đồng tình với cái nhận xét dí dỏm khá rùng rợn của nó.

=<>=

Trung đội tôi được chỉ định phòng thủ về hướng Tây. Tập họp xong, chúng tôi đi theo ông Trung đội trưởng về nơi trú ngụ. Tôi và ba thằng nữa được giao cho một cái lô-cốt. Bốn thằng chúng tôi hăm hở chui vô đặt cọc làm chỗ tư gia.

Lô-cốt, được phiên âm từ chữ “blockhaus” của mấy ông tây bà đầm, thường được gọi để nói về một nơi đồn trú được xây cất bằng xi-măng hay bằng đá, rất kiên cố, được dùng như một công sự phòng thủ.

Vừa mới đưa đầu vào hầm thì chúng tôi được chào đón bằng một mùi ẩm thấp mốc meo khá nồng nặc như đang bước vào trong một hang động, hay một thạch cốc nào đó mà đã lâu rồi không có một bóng người lui tới. Còn đang bận rộn làm quen với bóng tối thì chúng tôi lại được chiếu cố khá tận tình bởi một bầy muỗi. Chúng nó kêu réo bâu quanh chúng tôi cứ y như là chúng nó ồn ào ăn nhậu trên bàn tiệc.

Bên trong hầm, ngoài cái trụ cột bằng gỗ to lớn, nằm chình ình ở chính giữa hầm để chống đở sức nặng của mái hầm bên trên, căn hầm không có một thứ vật dụng nào khác.

- (vt) Trại lính gì mà không có nổi một cái giường. Còn tệ hơn là ở trong quân trường nữa!

Cái lô-cốt, giờ là cái nhà của chúng tôi, được đào sâu xuống đất khoảng non 1 thước rưỡi. Vì quá thấp nên chúng tôi phải cúi đầu mỗi khi đi đứng bên trong. Nắp hầm được phủ lên khoảng 3, 4 tầng bao cát và 1 lớp xi-măng cuối cùng bên trên. Thỉnh thoảng có ai bước mạnh ở trên nắp hầm, một ít nhúm cát tuôn ra từ những bao cát đã bị rách, theo những kẽ hở rỉ rả lăn, rớt lăng tăng từng đợt xuống sàn hầm bên dưới. Căn hầm được khoét sâu bốn bề gần như vuông vức, mỗi cạnh khoãng chừng 4 thước. Sàn hầm được nện bằng đất nên cũng khá cứng rắn. Ngoại trừ 2 lối ra vào, không cửa, ở 2 bên giao thông hào, chung quanh hầm là 4 bức tường được dựng lên bằng những bao cát chồng chất lên nhau. Những bao cát, có lẽ có mặt ở đây từ lúc ban đầu, cho nên một phần lớn những lớp vải bọc cát đã bị rách thành từng mảng lớn nhỏ dính tòng teng bên ngoài thành vách. Và phần đất bên trong bao cát, trải qua bao nhiêu mưa gió, đã được ém chặt động lại thành cục, cứng rắn không kém gì một tảng đá.

Sau khi hun muỗi và quét dọn một đống rác rưởi cỏ hoang lâu ngày ở trong hầm, chúng tôi chia nhau mỗi thằng một góc hầm, cùng nhau dăng một đầu võng vào chung cái trụ gỗ ở chính giữa, còn đầu kia thì cột vào cái góc hầm của mình. Kế tiếp, lấy chiếc pông-sô máng lên trên trần để che dột, cả nước lẫn cát. Đâu đó xong xuôi, coi như tạm xong cái chỗ ngủ, chúng tôi ra ngoài, leo lên nóc hầm, tò mò, quan sát địa thế chung quanh.

Từ khi đặt chân xuống hậu cứ, lần đầu tiên nhìn thấy những rặng núi cao ngất bao bọc chung quanh Thường Đức, tôi không khỏi tránh được cái cảm giác ngột ngạt, như có một vầng ám khí vô hình nào đó đè nặng trên không. Địa thế chung quanh Thường Đức có thể ví như một cái chảo, mà hậu cứ và cả ngôi làng Thường Đức hoàn toàn nằm gọn bên trong lòng chảo, tứ bề thuận lợi cho quân bao vây, tấn công. Tôi không biết mấy ông lớn nghĩ thế nào mà chọn địa điểm này làm căn cứ, chớ tôi chỉ nhìn mấy cái núi chung quanh không thôi là tôi đã thấy lạnh buốt ở sau gáy.

=<>=

Trong bữa cơm chiều, nhân có mấy thằng ở Thường Đức cùng đang ăn chung, tôi bèn chỉ tay về dãy núi ở hướng Nam, phía bên kia sông, chạy dài từ Đông sang Tây, hỏi nó:

- Cái núi bên kia là núi gì vậy, mậy?

Nó trả lời:

- À, dãy pla-tô.

- Có lính mình đóng ở trển không?

- Không.

Tôi lại chỉ về dãy núi ở hướng Tây trước mặt.

- Còn cái núi này, có lính mình ở đó không.

- Không.

Đưa tay sang về rặng núi ở hướng Bắc, tràn ra từ Tây sang Đông.

- Còn bên kia, có ai không.

- Cũng không luôn.

- Như vậy là chỉ có mình đóng ở đây thôi, còn mấy cái núi chung quanh thì không có ai hết?

Nó gật đầu:

- Ờ, chỉ có Tiểu đoàn mình là đóng ở đây thôi. Ra khỏi đây thì không còn an ninh nữa.

Để cho chúng tôi được am tường rõ ràng hơn về hiện tình nơi đây, nó bèn đưa tay chỉ về hướng Tây, xéo xéo về hướng Nam một chút, nói:

- Hồi trước, có một trại Biệt Kích ở trên Khâm Đức nhưng mà người ta bỏ nó cả mấy năm nay rồi. Bây giờ, từ đây cho tới biên giới Lào, không còn lính mình hay làng mạc gì nữa hết.

Như để hổ trợ lời nó, vài tiếng depart từ 2 khẩu 105 ly bên phía Tiểu Đoàn bắn đi. Nó nhanh nhẩu cho biết:

- Chắc mấy ông pháo binh bắn thử hay bắn vào mấy chỗ khả nghi.

Một thằng trong bọn từ nãy giờ ngồi nghe, mắt nhìn lên trên mấy cái dãy núi chung quanh, lẩm bẩm:

- (vt) Bộ hết chỗ đóng hay sao mà lựa cái chỗ này. (vt) Tụi nó mà kéo về ở mấy cái núi đó, đứng ở trên đó mà liệng đá xuống thì cả cái quận Thường Đức này cũng nát, chứ cần mẹ gì phải đánh đấm.

Một đứa khác có vẻ thông minh bàn vô:

- Phải đóng ở đây thì mới giữ an ninh được chớ. Dân ở đây mà. Lỡ mà tụi nó muốn chiếm thì nó phải quýnh mình trước. Chớ đóng ở chỗ khác thì làm sao mà mình kéo tới phản công cho kịp?

=<>=

Cơm chiều xong, tôi được chỉ định làm phiên gác từ 10 đến 12 giờ đêm. Nhân trời hãy còn sáng, tôi leo lên nấp hầm để quan sát địa thế chung quanh, nhằm để ý xem nơi nào tụi nó có thể chui vào hoặc rình rập ẩn nấp, để khi đến phiên gác, tôi sẽ lưu tâm đến những nơi đó một cách đặc biệt hơn.

Thấy tôi đứng một mình trên nóc hầm, một thằng bạn cùng đơn vị mon men đến bên cạnh. Nó cũng nhìn quanh một vòng rồi buông thõng:

- (vt) Ở đây nản quá mày!

Tôi bảo nó:

- Sao không xuống dưới làng chơi cho vui.

Nó trả lời:

- Cũng sắp tối rồi - Mà tao cũng chẳng quen ai ở dưới. Chắc mai mới đi xuống coi thử.

Nói xong, nó bèn ngồi bệt xuống nấp hầm. Tôi bắt chước nó ngồi theo. Nó móc trong túi áo ra một quyển album đựng hình. Lật nhanh đến trang có một cô gái, trông thật xinh, đầu hơi nghiêng một bên, hai tay chống cằm làm điệu như những cô gái, ca sĩ đương thời, mắt nhìn xa xăm, tư lự. Tôi nhìn theo hỏi nó:

- Bồ mày đó hả? Đẹp quá dị.

Nó cười thích chí đáp:

- Ờ.

Tôi chắc lưỡi:

- Tội nghiệp chưa! Người đẹp như thế này mà chẳng biết ăn me ăn cóc làm sao mà đến nổi phải đau miệng đau răng như vậy!

Nó trố mắc ngạc nhiên:

- Đau cái gì?

- Đau răng! Hổng đau sao mà lấy tới hai cái tay ôm cái miệng vậy?

Nhìn vào tấm hình, vỡ lẻ ra, nó bèn cười xoà, đục vào vai của tôi một phát đau điếng.

=<>=

10 giờ đêm, tôi mang giây đạn cùng cây M-16 leo lên nóc hầm ngồi gác. Càng về đêm, sinh hoạt bên dưới làng càng bớt nhộn nhịp, thưa dần, rồi hoàn toàn rơi vào im lặng khi ánh đèn cuối cùng trong làng vừa tắt. Không gian bây giờ chỉ còn những tiếng côn trùng kêu nhau trong đêm. Thỉnh thoảng, từ những đồn bót chung quanh, một vài tràng đạn được bắn đi vào những nơi khả nghi. Đám côn trùng như bị đánh động nên cũng giựt mình lặng im nghe ngóng. Trên không, một trái đạn hỏa châu bùng sáng như đánh thức mọi người trở về với thực tế chiến tranh. Và để tăng thêm phần đề cao cảnh giác, 2 khẩu đại bác 105 ly bên kia đồi Tiểu đoàn bắn ra. Tiếng đạn xé gió rít bay qua đầu rồi rớt nổ đâu đó trong những dãy núi âm u đen hù trước mặt.

Một thằng bạn, cùng ở chung hầm, như chưa ngủ được, đi ra khỏi hầm, leo lên nắp, đến ngồi kế bên tôi.

Nghĩ nó còn nhớ Đà Nẵng nên tôi cười hỏi nó:

- Bộ tương tư Đà Nẵng rồi đó hả?

Nó đáp trong giọng cười:

- (vt) Chắc vậy. Nhưng nằm hoài không ngủ được nên lên đây cho mát.

Thấy nó ra ngoài, hai thằng còn lại ở trong hầm cũng lò mò theo sau leo lên ngồi bên cạnh. Một thằng, hai tay cứ xoa lên cổ lên mặt lên tiếng phàn nàn:

- (vt) Muỗi quá, ngủ không được. Có đứa nào còn thuốc ngừa muỗi, cho tao xin một tý?

Còn thằng kia:

- Tụi mày có đi đứng trên đây thì làm ơn đi nhè nhẹ một tý. (vt) Mỗi lần tụi mày đi hơi mạnh là cát rớt đầy ở dưới đó. Coi chừng có ngày nó sụp là tàn đời.

Tôi thấy tụi nó tụ tập đông đảo trên đây có mòi không ổn nên tôi cảnh cáo tụi nó:

- Tụi mày lên ngồi cả đống ở đây thì coi chừng tụi nó bắn sẻ à.

Một thằng thuộc loại "điếc không sợ súng", nghe vậy bèn nổi máu anh hùng:

- (vt) Nó ngon thì bắn đi chứ sợ cái đếch gì.

Vừa nói nó vừa lấy cái hộp quẹt bật lửa đốt thuốc. Một vùng ánh sáng chợt bùng lên soi sáng hình thù 4 thằng chúng tôi trong đêm. Vừa nhả khói nó vừa nói với giọng bất cần đời:

- (vt) Sớm muộn gì thì cũng có ngày bị. Hổng bữa nay thì bữa khác cũng vậy thôi.

Biết nó gàn và bướng, cả đám im lặng không thèm cải lý với nó. Một đứa bèn đổi đề tài lên tiếng than vãn:

- (vt) Tưởng về hậu cứ để được nghỉ cho khỏe, ai dè tối lại còn phải đi gác đi kích, (vt) giống y như là đi canh đi rình ăn trộm.

- (vt) Ăn cướp chớ ăn trộm cái quái gì! - Một đứa khác cười cải chính.

- Thà ăn cướp đi thì để mình còn dễ tính. Đằng này nó là thằng chủ trương đi ăn cướp nhưng lại có hành vi như là kẻ ăn trộm.

- Sao vậy?

- Tại vì - Đám ăn cướp thì thường xử dụng vũ khí để cướp của. Nó lộ mặt đối diện với người nó tính cướp. Còn cái lũ ăn trộm thì không mang vũ khí và nó thường rình rập đợi khi chủ nhà sơ ý thì mới lẻn vô lấy trộm. Khác với ăn cướp, ăn trộm thì nó lén lút tránh mặt không cho thiên hạ thấy. Tụi việt cộng cũng vậy. Mày thấy? Tụi nó ở ngoài Bắc, đói khát kinh niên. Tụi nó rủ rê kéo nhau vô đây mang súng lận dao từ răng xuống dế, vào tận đất mình, đốt làng phá xóm. Như vậy là tụi nó thuộc loại quân ăn cướp. Nhưng, thay vì công khai vượt sông Bến Hải, dàn quân bố trận đánh nhau trực diện thì tụi nó không làm. Tụi nó lại, lẻn qua bên Lào, chui xuống Cam Bốt, lén lút ẩn trốn trong rừng trong núi. Bữa nay rình rập ở đầu hè này đào lổ chui vô. Bữa kia thì lấp ló ở bờ rào nọ nhổ cột lách vào. Trốn tránh, rình rập, lén lút, chui rúc như vậy mà không phải là lũ ăn trộm thì là cái lũ gì bây giờ?

- (vt) Hèn chi mà mình cứ đi đánh hết chỗ này rồi lại đi giải tỏa chỗ kia. (vt) Tối ngày quanh năm chỉ toàn đi đỡ chỗ này, chống chỗ nọ.

- Ờ, chống với đỡ riết thì có ngày cũng rã người. Tao nghĩ, đánh nhau mà mình chỉ toàn là thủ, thì chỉ có nước huề hoặc thua, chứ không thể nào mà thắng được. Tao ngại là nếu tình trạng này cứ kéo dài, thì có ngày nó sẽ nhổ sạch hàng rào, vào tuốt ở trong nhà, mang hết cả bàn ghế, đồ đạc, quần lót về Bắc.

- (vt) Đánh nhau kiểu này, dù có Thánh đi nữa, thì giỏi lắm cũng chỉ được 1 phần huề, còn 99 phần thua.

- Dị mà mình kéo dài hơn cả chục năm thì cả là một phép lạ. Tao không biết có một quân đội nào trên thế giới mà tối ngày chỉ đưa lưng cho thiên hạ khện mà tới cả chục năm vẫn chưa quỵ. Tao chỉ lạy Trời, cho một ngày đẹp trời nào đó, tụi nó chán, tụi nó rút hết về Miền Bắc.

- Hê! Mà tại sao mình không đánh ra Bắc hè? (vt) Phải đập vào đầu thì nó mới sợ chớ. (vt) Đập vào tay vào chân thì nó sợ cái đ.. gì?

- Tao cũng thắc mắc như vậy. Tao nghĩ làm vua làm tướng trong thời chiến thì chỉ có mỗi một cái bổn phận duy nhứt là chấm dứt chiến tranh, càng sớm càng tốt. Nhưng hình như mấy ông vua ông tướng nhà mình nghĩ khác.

Một thằng phá lên cười chêm vô:

- Bởi vậy cho nên họ mới làm tướng làm vua, còn mày thì đi chăn trâu làm lính.

Một giọng có vẽ tư lự:

- Tao nghĩ làm không dể như mày nói đâu.

- Tao có nói dể đâu? Phải khó thì mới cần đến tướng đến vua chứ mậy. Chớ dể thì thằng ăn mày cũng làm được vậy. Cần gì phải đợi tới vua tới tướng!

Vẫn giọng tư lự bâng quơ:

- Tao nghe nói mấy ông lớn của mình học hành hay được đào tạo dạy dổ gì đó ở bên tây bên u. Hổng biết mấy ổng có đặt quyền lợi của mình lên trên cao hết hay không?

- Của nào? Của mấy ổng, của mình, của tây hay của mẽo?

Không ai cười vào cái lối nói khôi hài đó. Cả bọn cùng thừ người, mắt nhìn sâu vào trong đêm đen. Đêm tiền đồn tối tăm như mực, chẳng khác gì với vận mệnh của Miền Nam.

Như một ánh sáng chợt lóe lên trong đêm, một đứa phát biểu:

- Như vậy thì mình phải chịu khó đợi cho mấy ông Đà Lạt lên làm tướng vậy.

Có giọng thắc mắc:

- Sao phải đợi mấy ông này?

Nó giải thích:

- Bởi vì, có muốn làm tướng thì mày mới tình nguyện vào trường Vỏ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Chớ nếu mà mày không muốn làm tướng thì vô Vỏ Bị làm chi? Mà sở dỉ mày muốn làm tướng là vì mày muốn làm những chuyện để đời, đánh Đông dẹp Bắc, chớ nếu mà mày không muốn làm mấy cái việc để đời thì học làm tướng làm gì, phải không? Chớ hổng lẻ làm tướng để được ăn trên ngồi trước hay dợt le với mấy em gánh nước, xoàng quá dzị mậy? Rồi, mày lại được huấn luyện tại Việt Nam, ăn cơm với cá ươn cá khô, uống nước suối nước sông, ngủ ngoài trời ngoài đất. Vậy là mày thuộc loại người Việt thuần túy, thì mày đương nhiên đặt để quyền lợi quốc gia của mình trên hết, ưu tiên số một, phải không?

Ngưng một chút rồi nó tiếp tục:

- Vì vậy, tao nghĩ, nếu mấy ông này mà là tướng thì mấy ổng sẽ có kế hoạch đánh bại cái tụi việt cộng trong một thời gian ngắn nhất, giảm thiểu thiệt hại tối đa và thu phục nhân tâm tối thượng.

Như thấy câu chuyện có vẻ không còn hứng thú nữa, một đứa bèn đề nghị:

- (vt) Tụi mày cứ nói toàn chuyện trên trời dưới đất. Thôi, đứa nào có chuyện gì khác, dzui dzui, kể nghe chơi.

Im lặng một lúc không nghe ai nói, tôi bèn lên tiếng:

- Được rồi, tao có cái chuyện này. Bảo đảm tụi mày chưa bao giờ nghe.

- Thiệt hông?

- Thiệt.

Tôi bèn phịa ra cho có vẻ ly kỳ:

- Chuyện này tao nghe một thằng hồi chánh kể lại.

- Thôi dẹp cha nó đi. (vt) Chuyện tụi nó thì có cái khỉ gì vui đâu mà kể.

Một đứa khác xen vô:

- (vt) Kệ nó. Nó không nghe thì thôi. Mày cứ kể đại nghe chơi.

Tôi bèn kể:

- Chuyện như thế này:

"Sau khi biết lính mình bỏ đi, tui việt cộng bèn mon men trở lại. Một tên cộng con thấy một hộp lon chưa mở nằm kế cái hố cá nhân bèn lượm lên coi thử. Tên chính trị viên, đứng gần đó, thấy nó lượm được một cái lon có vẻ hơi nặng nên quát lên:

- đ/c không nên đụng cái đó. Coi chừng tụi nó gài mìn, bỏ thuốc độc. Đưa cái non đây cho tớ.

Tên cộng con ức lắm nhưng phải đưa cho nó. Tên chính trị viên hăm hở khui cái hộp ra thì mới hay đó là lon trái cây thập cẩm. Hắn không biết đó là cái gì nhưng trông quá hấp dẩn, nó bèn lẹ làng đưa cái lon lên miệng húp ngay một miếng như sợ có ai dành lấy. Một mùi thơm thoang thoảng tỏa ra, chất nước ngọt lịm chảy vô tới đâu thì người nó sảng khoái lên tới đó. Mắt nó lim rim theo dõi từng tế bào trong người hắn dần căng phồng lên. Bổng dưng, mặt nó đực ra, toàn thân nó cứng đơ khẻ rung lên vài cái. Thằng cộng con sợ tái mặt tưởng nó đang rẫy chết. Ngay sau đó, thấy nó trở lại bình thường, thằng cộng con vội hỏi:

- Cái gì mà khiếp thế đ/c. Tớ thấy đ/c dẩy lên như sắp bị chết.

Tên chính trị viên còn đang mê mẫn nhưng vẫn đủ tỉnh táo trở ngay về bản chất cố hữu của nó liền giải thích:

- đ/c nói đúng đó. Tớ phải thử trước coi cái đó là cái gì. Chứ nhỡ mà nà thuốc độc thì chỉ có mình tớ bị chết thôi, còn đ/c thì khỏi. Cũng may nà tớ chỉ mới ... trúng độc ... sơ sơ thôi.

Tên cộng con không biết cái lon đó chứa cái gì. Nhưng thấy cái mặt tên chính trị viên trở nên đê mê đờ đẩn thì nó đoán cái đó chắc phải ngon tuyệt cú mèo. Nhất là khi nó thấy chất nước sền sệt óng ánh, cùng những miếng nho nhỏ vuông vức, có vẻ mềm mại, đủ loại màu sắc trắng xanh vàng đỏ lẫn lộn chảy ra mà nước dãi của hắn, không biết từ đâu, cứ chảy mãi không ngừng. Hắn khẩn khoản:

- Mình cùng sinh Bắc tử Nam mà đ/c. đ/c cho em niếm một tý. Em muốn được chết chung với đ/c.

Cả bọn cười xòa lên nhưng âm vang của tiếng cười không như tôi mong đợi. Những giọng cười không mang âm hưởng thích thú mà hình như ẩn chứa những bâng quơ, thương hại. Tôi cảm thấy hơi quê vì thấy câu chuyện mình kể không được hưởng ứng mạnh mẽ cho lắm, nên tôi trở lại với bổn phận canh gác.

Mọi người đều im lặng. Có lẽ ai cũng đang nghĩ về “người anh em phía bên kia”[1].

Cuối cùng, một đứa lên tiếng:

- Hê, tao nghe nói, vài ngày nữa, đại đội mình sẽ đi hành quân ở vùng bên này.

Vừa nóí, nó vừa chỉ tay về dãy plato nằm về hướng Nam. Đoạn nó quay nhìn sang dãy núi trước mặt ở hướng Tây.

- Còn đại đội 2 thì ở vùng này.

Rồi nó đưa tay chỉ về rặng núi ở hướng Bắc.

- Đại đội 3 thì ở phía bên kia.

- Sao mày biết?

- Tao nghe mấy đứa ở bên Tiểu đoàn nói. Mà mấy người ở Thường Đức cũng nói như vậy. (vt) Chớ hổng lẽ mình nằm ở đây chơi sao?

- Dị mà kêu chỗ này là hậu cứ. (vt) Hậu cứ gì mà giống như cái tiền đồn! Căn cứ thì kêu cha nó căn cứ cho rồi, còn bày đặt kêu nó là hậu cứ. Chán bỏ xừ!

=<>=

Riêng tôi, tôi thấy thất vọng khá nhiều. Tôi cứ tưởng, hậu cứ là một trại lính ở hậu phương, nằm thật xa ở đằng sau chiến tuyến với những dãy nhà khang trang.

Hậu cứ, đối với tôi, là nơi để cho đơn vị trở về nghỉ ngơi, dưỡng quân sau những cuộc hành quân gian khổ, giống như hậu cứ của mấy tiểu đoàn tiếp ứng thuộc Liên đoàn 1. Còn nơi đây, đây là một căn cứ địa, không hơn không kém. Nơi đây là tuyến đầu: Là nơi giặc rình rập ngày đêm; Là nơi mà mọi người lúc nào cũng trong tình trạng đề cao cảnh giác; Là nơi ánh sáng hỏa châu thay thế cho ánh đèn; Là nơi côn trùng rả rích thay cho tiếng nhạc; Là nơi giấc ngủ không được trọn vẹn; Là nơi thanh bình chỉ tìm được ở trong mơ; Là nơi, mà hạnh phúc chỉ đếm được bằng giờ. “Hết quýnh nhau rồi về đây để dưỡng quân, thì chẳng khác nào làm thêm một chuyến hành quân nữa. Dưỡng quân cái kiểu này thì chắc mau chết sớm.”. Tôi ngán ngẩm về hai chữ “dưỡng quân”.

Thôi! Thế là xa rồi những ngày rong chơi trong thành phố. Hết rồi những buổi trưa lặn lội ngoài bãi biển Mỹ Khê. Không còn những buổi chiều lang thang trên bãi biển Thanh Bình. Tạ từ những tà áo học trò cho những giây phút bâng khuâng. Xa rồi nụ cười duyên dáng của mấy cô bán sách kế chợ Hàn. Tạm biệt những rạp xi-nê. Tạm biệt những quán cà-phê với ánh đèn màu. Tạm biệt nhộn nhịp, phố thị. Tạm biệt Đà Nẵng.

Thế là thôi! Từ nay, tôi làm lính trấn thủ lưu đồn.

=<>=

Thất vọng về những hình ảnh đẹp đẽ cũa một hậu cứ tôi đã vẽ trong đầu, tôi cố vớt vát tìm xem một hình ảnh thơ mộng còn lại cuối cùng về một buôn bản miền sơn cước. Hôm sau, xuống làng, nhìn những rặng núi sừng sửng cao vút bao quanh hậu cứ như những ngón tay xương xẩu vươn cao xòe ra từ một bàn tay của bà phù thủy chừng muốn chụp xuống bóp nghẹt Thường Đức, tôi hỏi một người dân địa phương:

- Có cái buôn nào ở trong mấy cái dãy núi nầy không vậy?

- Buôn gì?

- Cái chỗ mà mấy người Thượng, mấy người mang gù ở đó, đó?
- À – có, có. Có người ở trong đó, nhưng họ không mang gù, họ mang AK.

Phụ chú:
  1. Lúc ấy chúng tôi hay gọi đùa những người việt cộng bằng cái danh xưng “người anh em phía bên kia” lịch sự như vậy. Chẳng phải vì mình ngu ngơ gì với kẻ chủ trương giết mình vô cớ, nhưng chẳng qua là vì tư cách con người không cho phép mình dùng những ngôn từ hèn hạ.

    Sau này, có dịp quan sát tư cách, nhân phẩm, đạo đức cũng như con người của họ sau khi cướp được Miền Nam, tôi rút lại chữ “người anh em” vì thấy không thể áp dụng cho họ được, mà chỉ còn chữ “phía bên kia”.

    Đến khi nhìn thấy thái độ im re, ngậm miệng ăn tiền của họ trước những tang thương, tha hóa, dối trá, bất công, cướp bóc, giết chóc, đàn áp, bắt bớ, buôn dân, bán nước v.v... được gây ra do chính cái chế độ độc tài phi dân tộc mà họ đã góp phần tạo dựng, họ đã để lộ bộ óc khuyển mã của họ, tôi thấy phần “nhân” còn lại của chữ “phía bên kia” không còn thích hợp cho họ nữa, nên không còn gọi họ là “phía bên kia”.